Các sông băng Himalaya đang tan chảy với tốc độ chóng mặt

20/12/2021 20:08 GMT+7

Tình trạng các sông băng tan chảy ở dãy Himalaya đang diễn ra với tốc độ gây sốc, có thể đe dọa nguồn nước cung cấp cho hàng trăm triệu người ở Nam Á, theo báo cáo đăng trên chuyên san Scientific Reports .

Hồ nước trên đỉnh Lobuche thuộc dãy Himalaya

Đại học Leeds

Đội ngũ chuyên gia do Đại học Leeds (Anh) dẫn đầu phát hiện, trong vài thập niên gần đây, các sông băng của Himalaya đã thất thoát số lượng băng nhanh gấp 10 lần so với tốc độ trung bình vào thời kỳ tiểu băng hà, giai đoạn kéo dài cách đây từ 400 đến 700 năm.

Không dừng lại ở đó, báo cáo ghi nhận các sông băng của Himalaya đang thu hẹp với tốc độ nhanh hơn những khu vực khác của thế giới.

Để đưa ra kết luận trên, đội ngũ chuyên gia Anh dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh để tái tạo kích thước và diện tích băng bề mặt của 14.798 sông băng ở Himalaya trong thời kỳ tiểu băng hà. Khi so sánh với tình trạng ngày nay, họ tính toán được Himalaya bị hao hụt khoảng 40% diện tích băng, thu hẹp từ 28.000 km2 xuống còn khoảng 19.600 km2 như hiện nay.

Trong giai đoạn này, các sông băng của Himalaya cũng thất thoát từ 390 đến 586 km3 băng. Con số này tương đương toàn bộ khối băng của dãy Alps ở miền trung châu Âu, vùng Caucasus và Scandinavia gộp lại.

Theo tính toán, khối lượng nước được tạo ra do băng tan đã nâng mực nước biển trên toàn cầu lên từ 0,92 đến 1,38 mm.

'Sông băng Ngày tận thế' có thể tan rã trong 3 năm

Tiến sĩ Jonathan Carrivick, một trong các tác giả nghiên cứu từ Đại học Leeds, cảnh báo rằng dãy Himalaya chứa khối lượng sông băng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Nam Cực và Bắc Cực. Himalaya còn được đặt biệt danh là “Cực thứ ba” của địa cầu.

Tình trạng tan băng đang tăng tốc ở Himalaya gây ảnh hưởng đáng kể cho đời sống và sinh kế của hàng trăm triệu người phụ thuộc vào các hệ thống sông chính ở châu Á. Những hệ thống sông này bao gồm sông Brahmaputra, sông Hằng và sông Ấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.