GlaxoSmithKline nộp phạt 3 tỉ USD
Việc Tập đoàn dược hàng đầu thế giới GlaxoSmithKline (GSK) phải nộp phạt 3 tỉ USD cho chính quyền Mỹ vì các hành vi sai trái trong công tác quảng bá thuốc, che giấu thông tin và hối lộ là bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành dược nước Mỹ. GSK khai nhận quảng bá trái phép thuốc chống trầm cảm Paxil cho người dưới 18 tuổi trong sáu năm liên tục (từ 1998-2003), nhưng thật ra loại thuốc này chỉ được cấp phép bán cho người dùng trưởng thành.
GSK còn quảng cáo sai thuốc trầm cảm Wellbutrin là có nhiều tác dụng phi thực tế như giảm cân, chữa rối loạn chức năng tình dục... Tập đoàn này còn che giấu thông tin về mức độ an toàn của thuốc điều trị tiểu đường Avandia. Avandia từng bị cấm bán tại châu u từ năm 2010 do tác dụng phụ làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ ở người dùng.
Ðội ngũ bán hàng của GSK còn mua chuộc bác sĩ bằng phong bì tiền, các chuyến du lịch đến Hawaii, châu u... để họ kê đơn thuốc của GSK.
|
Cuộc chiến bản quyền thuốc ở Ấn Độ
Ðứng về người dân thì bị công ty nước ngoài tố không tôn trọng bản quyền, còn đứng về các tập đoàn thì người dân chịu thiệt. Ðó là thế tiến thoái lưỡng nan của Chính phủ Ấn Ðộ trong cuộc chiến bản quyền bào chế thuốc mà tạp chí Lancet nhắc đến.
Tháng 3-2012, Chính phủ Ấn Ðộ cấp phép cho Công ty Natco Pharma (Ấn Ðộ) được quyền sản xuất và bán sản phẩm thuốc điều trị ung thư bào chế theo công thức thuốc Nexavar mà Hãng dược Bayer đã đăng ký bản quyền. Lý do là thuốc "chính hãng" của Bayer bán ra quá đắt so với đại bộ phận người dân Ấn Ðộ. Với quyết định của chính phủ, Bayer phải chuyển giao công nghệ sản xuất Nexavar cho Natco Pharma. Ðổi lại Natco phải bán thuốc ở giá 161 USD (so với mức 5.132 USD mà Bayer áp dụng ở Ấn Ðộ), nộp 6% doanh thu bán thuốc cho Bayer.
Thuốc do Natco bán ra chỉ lưu hành ở Ấn Ðộ. Hãng Bayer dĩ nhiên không thể chấp nhận quyết định này và phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, giới quan sát hoan nghênh hành động của Chính phủ Ấn Ðộ và xem đây là cơ hội để các nước đang phát triển học tập mô hình xây dựng nguồn thuốc tốt mà mọi người dân đều được tiếp cận, trong khi đơn vị sáng chế vẫn được bồi thường.
Tháng 8-2012, Tòa án tối cao Ấn Ðộ còn xét xử vụ kiện theo yêu cầu của Hãng dược Novartis (Thụy Sĩ) về loại thuốc ung thư Glivec. Chi phí điều trị bằng Glivec lên tới 70.000 USD/năm trong khi thuốc phiên bản của Ấn Ðộ dựa trên công thức gốc chỉ tốn 2.500 USD/năm. Dự kiến tòa án sẽ đưa ra phán quyết trong quý 1-2013.
2 nghiên cứu quan trọng liên quan đến trẻ em
1. 55 giờ. Ðó là khoảng thời gian để giải mã bộ gen của một em bé mới ra đời hiện nay. Trước đây, quá trình này đòi hỏi hàng tuần hay thậm chí hàng tháng để quyết định sự sống còn của một trẻ sơ sinh bị bệnh hiểm nghèo. Quá trình phân tích ADN được đẩy nhanh hơn nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật phân tích trình tự gen cùng một phần mềm có nhiệm vụ liên kết hơn 3.500 khuyết tật gen đã được con người khám phá với những bệnh mà chúng gây ra ở trẻ em.
Công trình của Trung tâm nghiên cứu gen nhi khoa thuộc Bệnh viện nhi Children’s Mercy (Mỹ) được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine vào tháng 10-2012. Thành tựu này giúp các bác sĩ nhanh chóng đưa ra những biện pháp phù hợp để cứu sống trẻ. Theo tạp chí Time, khoảng 30% số trẻ sơ sinh được chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt vì những bệnh do gen di truyền, và phân tích ADN có thể đóng một phần quan trọng giúp cho việc điều trị.
2. Một thông tin đáng mừng cho các bậc phụ huynh của trẻ tự kỷ. Các nhà nghiên cứu cho biết áp dụng sớm phương pháp trị liệu bằng hành vi có thể giúp bình thường hóa những phần não bộ liên quan đến các triệu chứng bệnh tự kỷ. Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Geraldine Dawson thuộc ÐH Bắc Carolina, đăng trên tạp chí Viện Tâm Thần Trẻ Em Và Thanh Niên Mỹ tháng 8-2012.
Chương trình Early Start Denver Model (ESDM) của giáo sư Dawson gồm các hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và tương tác với trẻ tự kỷ ở mức độ cao. Nghiên cứu cho thấy các em có những chuyển biến trong cách não bộ xử lý hình ảnh gương mặt người và các vật thể. Sau hai năm điều trị theo ESDM, hoạt động não ở các em diễn ra theo xu hướng giống với biểu hiện ở trẻ phát triển bình thường.
Theo Tấn Khoa \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)