Các tập đoàn kêu trời vì chuyện phải 'bẩm báo' bộ chủ quản

07/11/2014 14:15 GMT+7

(TNO) Cần nhanh chóng tách các tập đoàn, tổng công ty khỏi các bộ chủ quản để các bộ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM) khi trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội (QH) sáng nay 7.11.

>> Thanh tra Chính phủ đề nghị điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp cao su
>> Đề xuất kiểm toán Tập đoàn điện lực, Tập đoàn dầu khí và 28 tổng công ty lớn
>> Tập đoàn, TCT nhà nước còn 17.000 tỉ đồng cần phải thoái vốn
>> 3 tập đoàn lớn thoái vốn 1.790 tỉ đồng
>> Rà soát việc quản lý lao động và tiền lương trong các tập đoàn kinh tế

* Trong các thảo luận tại QH có ý kiến về việc tách các tổng công ty (TCT), tập đoàn (TĐ) khỏi các các bộ chủ quản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Du Lịch: Quan điểm của tôi trước nay vẫn thống nhất, lần này sửa luật, cải cách luật pháp, nhất là luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cần quy định bộ ngành quản lý nhà nước không chủ quản các TCT, TĐ nữa.

Bây giờ không nói là chủ quản nhưng thực chất còn hơn là chủ quản. Trước đây còn 18 TCT 91 thuộc Thủ tướng, các bộ không can thiệp, bây giờ trả về các bộ hết, bộ can thiệp từ nhân sự đến kế hoạch. Không gọi là chủ quản nhưng thực chất là chủ quản. Nếu tiếp tục như vậy, các bộ không thể nào thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước được.

 tran-du-lich
Đại biểu Trần Du Lịch - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong nền kinh tế thị trường, các cơ quan nhà nước phải là trọng tài, đề ra chính sách kiểm tra, đúng như quan điểm của chúng ta là mỗi thành phần kinh tế hoạt động theo luật. Các chính quyền địa phương chỉ làm các dịch vụ công ích phục vụ người dân. Anh không thể làm trọng tài mà lại có một loạt các doanh nghiệp riêng dưới tay anh cả.

* Bất cập này theo ông tại sao đến nay vẫn chưa xử lý được?

Đây là một vấn đề đã kéo dài mười mấy năm rồi. Chúng ta đã có chủ trương nhưng không làm gì. Tại sao không làm? Tôi cho rằng, chậm làm cái này là do có liên quan đến lợi ích các bộ ngành, các địa phương. Còn Chính phủ muốn làm kinh doanh thì tổ chức một số TĐ lớn và điều lệ các TĐ bằng một đạo luật. Các TĐ hàng năm phải báo cáo QH. Ví dụ, TĐ Dầu khí hàng năm báo cáo QH, QH sẽ quyết năm tới lợi nhuận anh được để lại tái đầu tư bao nhiêu, phải nộp ngân sách bao nhiêu. Thậm chí anh có nhu cầu đầu tư chính đáng, QH còn bổ sung cho anh.

* Vậy theo ông đâu là hướng giải quyết cho vấn đề này?

Hiện tại, cần tổ chức các cơ quan thuộc Chính phủ làm đầu mối sắp xếp lại các doanh nghiệp thuộc hệ thống để dần dần theo đúng luật Kinh doanh nhà nước để chúng ta còn lại 4 lĩnh vực, đó là dịch vụ công (chủ yếu là các địa phương); công nghiệp quốc phòng; lĩnh vực nhà nước độc quyền như khoáng sản, tài nguyên quốc gia và lĩnh vực nhà nước đầu tư mở đường, như công nghệ cao.

Chủ trương đầu tư mở đường phải gắn với chiến lược quốc gia do Bộ KH-ĐT đề xuất chứ không phải các cơ quan quản lý kia. Sau khi anh đầu tư mở đường rồi mà tư nhân họ làm được, lúc đó Nhà nước rút vốn. Vốn nhà nước là vốn động chứ không phải để đâu chết đó như hiện nay.

* Ông có thể nói rõ hơn chuyện nhiều năm nay không làm được do lợi ích của các bộ chủ quản?

Tôi có nói chuyện với lãnh đạo các TĐ, TCT, họ cũng kêu trời. Các TĐ, TCT nằm dưới “nách” các bộ và việc gì cũng phải bẩm. Bẩm ai? Không phải chỉ ông Bộ trưởng mà bẩm từ ông chuyên viên lên ông vụ trưởng, tới ông Thứ trưởng phụ trách, rồi mới lên ông Bộ trưởng. Ở các địa phương thì bẩm từ ông chuyên viên lên Phó giám đốc sở... chứ có lên Giám đốc sở được ngay đâu.

* Bỏ cơ chế này trong khi mình chưa có cơ chế khác thì sẽ như thế nào?

Chúng ta cần làm rõ đại diện vốn nhà nước là Hội đồng Quản trị (HĐQT) do Chính phủ bổ nhiệm hay như thế nào? Người điều hành là Tổng giám đốc có thể HĐQT thuê ngoài. Hiện nay dự thảo vẫn chưa rõ ràng. Cơ chế bổ nhiệm một ông vừa là Chủ tịch HĐQT vừa làm Tổng giám đốc là chưa hợp lý. Ông nào làm chủ, ông nào làm thuê không rõ. Vị trí Tổng giám đốc hoàn toàn có thể thuê người có chuyên môn điều hành.

Về cơ chế giám sát, ban kiểm soát phải kiểm soát cả HĐQT. Ở các nước, vị trí của ban kiểm soát là do Bộ trưởng Tài chính bổ nhiệm. Họ thường chọn các kiểm toán viên độc lập giỏi nghề và do cơ quan đó trả lương chứ không hưởng lương doanh nghiệp. Có như vậy mới có định chế độc lập.

Ở ta thì ban kiểm soát trước đây ăn lương TĐ, sau này có sửa chuyển về ăn lương cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng thực ra tiền này vẫn do doanh nghiệp chuyển qua. Nôm na vẫn là lấy tiền từ doanh nghiệp.

Việc sửa đổi các luật mà lần này chúng ta đang làm là cơ hội để giải quyết tình trạng trên. Nếu không sửa thì thì không biết còn cơ hội nào nữa. Nếu nhà nước cần nắm giữ thì nắm 65% là đủ rồi. Ở đâu không cần thiết thì thoái vốn dần. Nhà nước không cần nắm giữ 20-30% làm gì. Nhà nước không cần phải đi kiếm cổ tức.

Trường Sơn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.