Các tỉnh miền núi phía bắc oằn mình trong mưa lũ, sạt lở đất

10/09/2024 08:10 GMT+7

Mưa lớn do ảnh hưởng sau bão số 3 gây ra lũ lụt, sạt lở đất khắp các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn... khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn gia đình phải rời nhà trong đêm đi sơ tán chạy lũ.

Lào Cai tang thương

Ghi nhận tại Lào Cai, trong ngày 9.9, địa phương này liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất tại các huyện Bát Xát, Si Ma Cai và Bắc Hà. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai khẩn cấp, huy động tối đa nguồn lực ứng phó mưa lũ.

Các tỉnh miền núi phía bắc oằn mình trong mưa lũ, sạt lở đất- Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ tìm thấy cháu Sùng A Nhà (3 tuổi) trong ngôi nhà bị sập do sạt lở đất tại xã Sán Chải (H.Si Ma Cai, Lào Cai)

ẢNH: HOÀNG PHAN

Ông Sùng A Khứ, Chủ tịch UBND xã A Lù (H.Bát Xát), cho biết do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài sau bão số 3, khoảng 3 giờ ngày 9.9, một vụ sạt lở đất đã tràn vào 4 gia đình tại thôn Phìn Chải 2, cướp đi sinh mạng của 7 người dân. Cũng tại H.Bát Xát, nhiều tuyến đường bị sạt lở, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng nặng. Trong ngày 9.9, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai đã điều động 2 tổ công tác của Đồn biên phòng Y Tý và Đồn biên phòng A Mú Sung đi bộ vào hiện trường để hỗ trợ người dân ứng phó mưa lũ. H.Bắc Hà đã ghi nhận 6 người chết do mưa lũ.

Các tỉnh miền núi phía bắc oằn mình trong mưa lũ, sạt lở đất- Ảnh 2.

Đưa thi thể các nạn nhân tử vong ra khỏi hiện trường trong vụ sạt lở đất xảy ra tại H.Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) trong ngày 9.9

ẢNH: HOÀNG PHAN

Tang thương nhất là vụ sạt lở núi tại thôn Hòa Bình, xã Sán Chải (H.Si Ma Cai) vùi lấp 5 người trong một gia đình, trong đó 4 người thiệt mạng. Trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường, trung tá Nguyễn Trọng Chỉnh, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Si Ma Cai (Lào Cai), cho biết một mảng núi lớn sau nhiều ngày mưa lớn đã ngậm no nước đổ ập xuống vùi lấp 5 người trong gia đình anh Sùng Seo Sù (25 tuổi). Khi đến hiện trường, lực lượng cứu hộ nghe thấy tiếng trẻ con khóc đã nhanh chóng đào bới và tìm được cháu Sùng A Nhà (3 tuổi) đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Cháu Sùng A Nhà bị gãy chân, được đưa đi cấp cứu kịp thời; trong khi đó bố, mẹ, chị gái, em gái bị thiệt mạng.

"Khi chúng tôi tiếp cận hiện trường thì vội vã đào bới. Đầu tiên là cứu được cháu Nhà, sau đó tiếp tục tìm 4 người còn lại; khi vừa xong, rút ra bên ngoài thì núi lại sạt lở tiếp, không kịp ứng cứu tài sản", đại tá Chỉnh nói.

Những hình ảnh xúc động trong bão lũ tại Thái Nguyên

Lũ sông Cầu lớn nhất 65 năm, người Thái Nguyên suốt đêm chạy lũ

Tại Thái Nguyên, mưa lớn sau bão số 3 gây ra một đợt lũ lịch sử trên sông Cầu. Mực nước lũ lúc 13 giờ ngày 9.9 là 2,85 m, cao hơn 1,5 m so với báo động 3, cao hơn 0,36 m so với trận lũ lịch sử ngày 2.7.1959.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, từ tối 8.9, nước lũ sông Cầu bắt đầu dâng cao. Chưa đầy 24 giờ, lũ dâng cao, tràn vào TP.Thái Nguyên làm ngập nhiều khu dân cư. Trong suốt đêm 8.9 và rạng sáng 9.9, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, người dân tại TP.Thái Nguyên đã phải đắp bao đất ngăn nước tràn qua mặt đê.

Các tỉnh miền núi phía bắc oằn mình trong mưa lũ, sạt lở đất- Ảnh 3.

Lũ trên sông Cầu dâng cao, nhiều khu dân cư tại TP.Thái Nguyên chìm trong biển nước

ẢNH: HOÀNG PHAN

Tại P.Hoàng Văn Thụ, nước lũ sông Cầu đã gây ngập lụt xung quanh tòa nhà A3, chung cư Tiến Bộ có khoảng 50 hộ dân với 200 người sinh sống. Sau khi phát hiện móng khu nhà có những vết nứt, nguy cơ sụt lún, từ 22 giờ đêm, UBND P.Hoàng Văn Thụ đã huy động lực lượng công an, quân đội sử dụng xuồng, ca nô sơ tán toàn bộ người dân rời khỏi tòa nhà. Đến 2 giờ ngày 9.9, toàn bộ người dân trong tòa nhà được sơ tán đến nơi an toàn.

Còn tại P.Đồng Bẩm, hàng nghìn hộ dân thức trắng đêm sẵn sàng chạy lũ. Các hộ dân trong khu đô thị này hối hả chuyển ô tô lên trên cầu Bến Tượng đề phòng ngập lụt. Nhiều hộ không kịp sơ tán đành ngậm ngùi nhìn tài sản chìm trong nước lũ.

Lũ sông Cầu lên cao đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của nhiều vùng dân cư tại các huyện: Đồng Hỷ, Phú Bình, TP.Phổ Yên và TP.Thái Nguyên. Do mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao, dự báo tiếp tục có mưa lớn, nhiều khu vực bị ngập, lụt, UBND TP.Thái Nguyên tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong các ngày 10 - 11.9 để tập trung ứng phó mưa lũ.

Trong ngày 9.9, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên thông tin, nhắn tin cảnh báo đến người dân trong tỉnh về tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó.

Chạy đua với thời gian cứu bé gái kẹt trong vụ sạt lở ở Quảng Ninh

Yên Bái: sạt lở đất nổ như bom

Khoảng 13 giờ 30 ngày 9.9, trên địa bàn thôn Khe Bín (xã Tân Phượng, H.Lục Yên, Yên Bái) xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp 4 nhà dân khiến 2 người mất tích là 2 bố con gồm ông T.K.L (47 tuổi) và con gái T.T.L (21 tuổi).

Các tỉnh miền núi phía bắc oằn mình trong mưa lũ, sạt lở đất- Ảnh 4.

Hàng nghìn ngôi nhà ở Yên Bái chìm trong biển nước

ẢNH: NGUYỄN QUANG

Anh T.V.L, người dân địa bàn xã Tân Phượng, cho biết khu vực bị sạt lở đã được chính quyền di dời từ trước. Tuy nhiên vào trưa 9.9, hai bố con về nhà lấy đồ thì gặp nạn.

"Tiếng sạt lở to như tiếng bom. Nhiều người biết hai bố con đang ở trong nhà nên đã cố gắng hét thật to nhưng không kịp. Khi cả quả núi sụp xuống, tất cả đều phải chạy", anh L. nói.

Các tỉnh miền núi phía bắc oằn mình trong mưa lũ, sạt lở đất- Ảnh 5.

Lực lượng chức năng tìm kiếm 2 bố con ông T.K.L sau vụ sạt lở đất ở H.Lục Yên (Yên Bái)

ẢNH: Đ.X

Theo anh L., khu vực xảy ra sạt lở khiến cả thôn Khe Bín bị cô lập, lực lượng chức năng đã đến hiện trường nhưng phải di chuyển ngay vì chuẩn bị có một đợt sạt lở nữa. Không chỉ riêng thôn Khe Bín, trên địa bàn xã Tân Phượng nhiều nơi cũng bị chia cắt, mất sóng điện thoại.

Tân Phượng là một trong những địa phương mưa nhiều nhất tại Yên Bái. Theo thống kê, từ 19 giờ ngày 8.9 - 10 giờ ngày 9.9 khu vực này có lượng mưa lên tới 362 mm.

Thiệt hại thảm khốc sau bão Yagi: 71 người chết và mất tích

98 người chết, mất tích do mưa bão số 3

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và tổng hợp từ các địa phương, đến 22 giờ ngày 9.9 mưa bão số 3 đã làm 58 người chết, 40 người mất tích. Trong đó, số người chết do bão 12 người; do sạt lở đất, lũ quét 72 người; do lũ cuốn 6 người...

Mưa bão số 3 làm 85 tàu, thuyền các loại ở Quảng Ninh bị chìm tại nơi neo đậu; 136.228 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại. Mưa bão làm hư hỏng 46.548 ngôi nhà (Quảng Ninh 20.245 nhà, Hải Phòng 13.927 nhà, Bắc Ninh 3.450 nhà, Lạng Sơn 2.627 nhà...).

Đến chiều 9.9, các địa phương vùng ảnh hưởng mưa bão vẫn hàng nghìn ngôi nhà bị ngập nước. Trong đó, Thái Nguyên hơn 3.000 nhà; Yên Bái 4.545 nhà; Lào Cai 1.109 nhà; Cao Bằng 579 nhà; Lạng Sơn 4.254 nhà; Bắc Giang 1.953 nhà; Phú Thọ 692 nhà; Bắc Ninh 2.627 nhà.

Miền Bắc còn mưa lũ dồn dập đến hết ngày 11.9

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, khu vực trung du và miền núi phía bắc từ đêm 10 - 11.9 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm, có nơi trên 150 mm.

Do mưa lớn, từ ngày 9 - 11.9, trên các sông khác ở khu vực Bắc bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3, có sông trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc bộ, Thanh Hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.