Các tỉnh nghèo cũng muốn tăng trần vay nợ

Vũ Hân
Vũ Hân
10/05/2018 11:19 GMT+7

Bộ Tài chính cho biết, quy định các tỉnh nghèo không được vay quá 20% số thu ngân sách là nhằm kiểm soát mức dư nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép...

Sau khi TP.HCM rồi đến Hà Nội xin 'đặc thù' nâng trần vay nợ lên 90% số thu ngân sách được phân cấp (theo luật hiện nay tỷ lệ tối đa của 2 TP này là 60%), cử tri các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn cũng kiến nghị tăng trần nợ vay với các tỉnh này.
Cụ thể, cử tri Cao Bằng đề nghị Quốc hội tăng tỷ lệ trần nợ công của các tỉnh nghèo theo số tuyệt đối lên mức 1.000 tỉ đồng hoặc theo tỷ lệ phần trăm lên mức 100% số thu ngân sách địa phương được hưởng; cử tri Lạng Sơn đề nghị nâng mức dư nợ vay của ngân sách các tỉnh miền núi, biên giới từ 20% lên trên 50% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, quy định các tỉnh nghèo không được vay quá 20% số thu ngân sách là nhằm kiểm soát mức dư nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, và trên thực tế, 2 tỉnh kiến nghị đã vay vượt trần nhiều lần. Theo quy định, năm 2017, Cao Bằng được phép dư nợ vay tối đa là hơn 180,582 tỉ đồng, nhưng thực tế có dư nợ vay từ đầu năm lên tới 568,2 tỉ đồng, gấp 3 lần mức tối đa cho phép. Để thực hiện các hiệp định vay nước ngoài đã ký kết, Chính phủ phải cho Cao Bằng vay lại ODA hơn 62 tỉ đồng, bố trí ngay từ khâu dự toán bội thu ngân sách địa phương 270 tỉ đồng để trả nợ nhằm đưa mức dư nợ giảm xuống phù hợp với luật.
Tương tự, Lạng Sơn được phép dư nợ vay tối đa là 300,9 tỉ đồng nhưng đã vay tới 853,306 tỉ đồng, cũng gần gấp 3 lần. Để đảm bảo trần nợ vay như luật quy định, Chính phủ cũng phải cho Lạng Sơn vay lại ODA gần 35 tỉ đồng và bố trí ngay từ khâu dự toán bội thu ngân sách địa phương gần 420 tỉ đồng để trả nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.