Các trường đại học cần được xếp hạng

13/11/2008 22:55 GMT+7

Hôm qua 13.11, bên lề cuộc hội thảo "Xếp hạng các trường ĐH: xu thế toàn cầu và các quan điểm" - lần đầu tiên được tổ chức tại VN,Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề còn đang gây tranh cãi này.

* Thưa ông, một số tổ chức quốc tế công bố chất lượng giáo dục VN hiện rất thấp, ông có suy nghĩ gì?

- Những thống kê chất lượng đào tạo trong nước và quốc tế phải chính xác. Hiện nay số liệu thống kê về GD-ĐT trong nước do một cơ quan được Bộ chỉ định ban hành thì mới được coi là số liệu chính thức vì nó được tập hợp từ cơ sở. Còn những số liệu mang tính chất suy diễn khó có thể khẳng định được mức độ chính xác.

Việc xếp hạng sẽ thúc đẩy các trường ĐH, nhất là các trường ĐH hàng đầu tiếp tục phấn đấu vươn lên tầm cao mới.

* Trong bài phát biểu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tại hội thảo cho thấy, sự tự đánh giá của các trường có chất lượng rất thấp. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Như chúng ta đã biết, việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta được tiến hành chưa đến 3 năm. Trong khi ở các nước, việc kiểm định này đã được tiến hành hàng trăm năm nay. Vì thế, trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục, chúng ta phải qua hai bước.

Đầu tiên là tự đánh giá (đánh giá trong). Đây là bước quan trọng nhất bởi không ai ngoài đội ngũ những người công tác ở trường, các thầy cô giáo mới biết được thực trạng và tự đánh giá trên cơ sở bộ tiêu chí do Bộ GD-ĐT ban hành, hướng dẫn. Bước tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn đánh giá ngoài với thành phần gồm: các nhà khoa học, các nhà quản lý hoạt động trong các doanh nghiệp hoặc các tổ chức quốc tế, hoàn toàn độc lập, không trực thuộc các trường hoặc cơ quan bộ. Họ sẽ đánh giá (ngoài) xem có đúng đạt tiêu chuẩn đã kiểm định không.

Năm 2009, Việt Nam sẽ có bảng xếp hạng các trường ĐH

PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Trung tâm sẽ tiến hành xếp hạng các trường ĐH ngay trong năm 2008 đối với những trường đã có sinh viên tốt nghiệp từ năm 2007 trở về trước. Theo kế hoạch sẽ công bố các bảng xếp hạng vào đầu năm 2009. Số liệu xếp hạng được thu thập từ các nguồn: số liệu từ Bộ GD-ĐT; các báo cáo tự đánh giá của các trường đã được thẩm định và các báo cáo đánh giá ngoài để kiểm định chất lượng; số liệu trên website của từng trường và trên các công cụ tìm kiếm xác định thông tin; phiếu khảo sát (khi cần thông tin bổ sung).

Nhưng kiểm định không có nghĩa là xếp hạng các trường ĐH. Việc kiểm định này giúp các trường phấn đấu cao hơn, đồng thời họ tự soi lại để hoàn thiện mình nhằm nâng cao chất lượng. Vừa qua, chúng ta đã được một tổ chức Hà Lan đánh giá 20 trường. Tổ chức này sẽ có trách nhiệm công bố công khai cho chúng ta kết quả kiểm định. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thống kê những điểm yếu, điểm mạnh của các trường này tập trung ở mặt nào, đạt ở mức 1 hay mức 2 do việc đánh giá ngoài vẫn chưa kết thúc.

* Theo ông thì ở VN có cần xếp hạng các trường ĐH không? Việc xếp hạng dựa trên tiêu chí nào?

- Theo tôi, hội thảo hôm nay sẽ đưa ra kết luận xem VN nên làm như thế nào. Đây cũng là vấn đề mới mẻ. Ở VN, nhiều giáo sư trong nước hiện không thích việc xếp hạng. Nhiều trường có chất lượng hàng đầu nhưng họ không thích xếp hạng. Đây cũng là một quan điểm nhưng theo tôi thì không nên đánh giá đồng nhất được. Chẳng hạn, trên thế giới, dù là top trường hàng đầu như: Harvard, Boston... cũng đều có thứ hạng nhất nhì.

* Quan điểm chưa thống nhất, việc kiểm định chất lượng chưa xong, theo ông việc xếp hạng có khả thi không?

- Xếp hạng các trường ĐH là một hiện tượng có tính toàn cầu. Với sự đại chúng hóa giáo dục ĐH và sự định hướng thị trường ngày càng tăng ở trên thế giới, các đối tác hưởng lợi của hệ thống giáo dục ĐH như sinh viên, phụ huynh, các cơ sở giáo dục ĐH, các nhà tuyển dụng và Chính phủ thực sự quan tâm đến vị thế của mỗi trường ĐH, CĐ. Trong 20 năm gần đây, xếp hạng và lập bảng phân loại giáo dục ĐH trở thành mối quan tâm lớn không chỉ đối với báo chí, các lĩnh vực tư nhân mà còn là mối quan tâm của các hiệp hội nghề nghiệp và của Chính phủ. Việc xếp hạng sẽ thúc đẩy các trường ĐH, nhất là các trường ĐH hàng đầu tiếp tục phấn đấu vươn lên tầm cao mới. Vì vậy xếp hạng là vấn đề tranh cãi nhưng nó vẫn là xu hướng ngày càng được nhiều người quan tâm. Chúng ta cần đầu tư nghiên cứu vấn đề này.

 Vũ Thơ  (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.