|
Sửa luật giáo dục, giao hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp
Việc thay đổi thi cử liên tục liệu có ảnh hưởng đến việc dạy và học ở các nhà trường?
Bộ GD-ĐT xác định thi cử là khâu đột phá, nhiều ý kiến có thể không đồng tình nhưng tôi cho rằng điều đó đúng với tình hình thực tế của chúng ta hiện nay. Lâu nay thi cử ở nước ta có tác động tới việc học rất ghê gớm. Do cách thi của ta là thi tập trung, đề thi chỉ kiểm tra được kỹ năng giải bài tập, kiến thức đơn thuần. Những môn nào, phần nào không thi là không học, giáo viên không đổi mới phương pháp được vì phải tranh thủ rèn cho học sinh (HS) kỹ năng giải bài tập. Chúng ta phải làm cho HS có thói quen thi gì học nấy chuyển sang học gì thi nấy.
Về lâu dài phải tách hẳn 2 việc ra, một là đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT và hai là tuyển sinh ĐH. Hiện nay, luật Giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định vẫn tổ chức kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, có lẽ nhân dịp chúng ta sửa luật Giáo dục thì nên cân nhắc có tổ chức kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp hay không. Kỳ thi đã có tới 98 - 99% đỗ tốt nghiệp thì việc tổ chức thi là không cần thiết. Bằng tốt nghiệp THPT thì cũng không quá quan trọng nữa. Nếu đã không thi thì nên giao cho các trường THPT đánh giá, tự cấp bằng.
Nhiều ý kiến còn nghi ngại việc hiệu trưởng trường THPT được quyền cấp bằng và bằng ấy có được quốc tế công nhận không?
Hiệu trưởng trường ĐH được cấp bằng đến cả bằng tiến sĩ thì tại sao “ông” hiệu trưởng ở trường THPT lại không được quyền cấp bằng cho HS của “ông” ấy?
Khó khăn đặt ra ở đây là nếu mình không tổ chức thi THPT quốc gia thì bằng tốt nghiệp THPT có được các nước công nhận không, có gây khó khăn cho HS của mình khi du học không? Chỗ này cũng cần có thêm phương án về mặt kỹ thuật để giải quyết, thông qua đàm phán chẳng hạn.
Cũng có ý kiến đặt ra là sợ các trường mắc bệnh thành tích khi tự công nhận tốt nghiệp HS của mình. Tôi cho rằng không sợ vì chất lượng của các trường phổ thông chủ yếu được soi bằng kết quả tuyển sinh ĐH và bằng kết quả khảo sát chất lượng trên diện rộng. Nếu trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao mà không có nhiều HS vào trường danh tiếng thì cũng không được dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Nếu làm được như vậy thì chương trình mới sẽ có cơ hội thực hiện thành công hơn, vì nếu vẫn thi như hiện nay thì tất cả vẫn tập trung vào dạy nhồi nhét kiến thức và kỹ năng giải bài tập; việc cho HS thực hành, làm đề tài nghiên cứu… sẽ bị hạn chế, dẫn tới không thể đánh giá năng lực được.
Bộ GD-ĐT không nên loay hoay mãi với thi cử
Việc tuyển sinh giao trở lại cho các trường ĐH, CĐ nhưng dư luận lại lo ngại tiêu cực về luyện thi?
Các trường sẽ được kiểm soát bằng thị trường lao động, ra trường có việc làm hay không, người học sẽ căn cứ vào đó để lựa chọn. Còn vấn đề luyện thi của các trường ĐH, đúng là phải bàn thêm về mặt kỹ thuật tổ chức thi riêng thế nào để khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm nặng nề cho HS. Về mặt hành chính thì hoàn toàn có thể cấm các trường luyện thi, thầy cô nào đi luyện thi không được tham gia vào ban ra đề…
Khi giao cho các trường ĐH, còn một lo ngại nữa là nhiều HS vẫn phải di chuyển xa để dự thi. Điều này có thể khắc phục bằng cách các trường ĐH có thể liên kết với nhau để tổ chức thi, sử dụng kết quả chung. Trường ĐH lớn liên kết với các trường ĐH ở các địa phương để tổ chức thi ngay ở tỉnh đó mà không phải đi quá xa.
Giao việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường thì có nên quy định hình thức thi hay xét cụ thể không?
Đã giao quyền cho các trường THPT để xét tốt nghiệp THPT thì đó là việc của các trường, có thể thi, có thể không. Với các trường ĐH thì quyền ra đề là của các trường ĐH. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, đủ lớn để sẵn sàng cung cấp đề thi cho các trường ĐH nếu họ có nhu cầu sử dụng.
Qua tham khảo một số ý kiến của các trường ĐH lớn, dường như các trường vẫn chưa sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng. Ông nhìn nhận điều này ra sao?
Các trường ĐH nên chủ động hơn. Luật Giáo dục ĐH đã quy định rồi, tất nhiên là khó khăn hơn nhưng đó là điều tất yếu phải làm. Các trường không nên phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT quá lâu việc tuyển đầu vào. Tổ chức kỳ thi 2 mục đích rất khó tránh khỏi việc năm thì các trường ĐH than phiền đề dễ quá, khó tuyển sinh; năm thì đề khó quá khiến người dân và dư luận xã hội phản ứng.
TP.HCM tiếp tục đề xuất giao địa phương tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT
Tháng 8.2016, trong buổi làm việc về phát triển GD-ĐT với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo TP.HCM đã đề xuất Bộ tăng cường phân cấp cho TP tổ chức hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ. Lãnh đạo Sở GD khẳng định, từ đổi mới thi cử sẽ kéo theo đổi mới quá trình dạy và học.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, trong năm học mới này, TP.HCM tiếp tục đề xuất cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới. Theo đó, TP đề xuất giao cho Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND TP tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của các cấp. Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
B.Thanh
|
Bình luận (0)