Các trường sư phạm sẽ phát triển như thế nào ?

31/12/2006 22:46 GMT+7

Sau nhiều hội thảo ở từng vùng, cuối tháng 12.2006, hội nghị toàn quốc các trường sư phạm đã chính thức được tổ chức tại Hà Nội.

Đào tạo đơn hay đa ngành là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị. Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, trong thời gian tới sẽ phát triển một số trường sư phạm sang đào tạo đa ngành cho phù hợp với xu thế hiện nay, do nhu cầu đào tạo sư phạm sẽ bão hòa. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn vì có thể sẽ làm "lu mờ" vai trò của ngành sư phạm.

GS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: vai trò của giáo viên hiện nay là rất quan trọng, mọi tiêu cực trong thi cử, dạy thêm học thêm cũng do giáo viên và người quản lý mà ra, vì vậy việc đào tạo giáo viên vẫn phải được coi trọng. Còn việc thiếu hay thừa giáo viên là do cách tổ chức giáo dục mà thôi.

Ông Nhĩ nói: "Không thể nói là chúng ta thừa giáo viên được. Phải là 2,6 giáo viên/lớp đối với tiểu học chứ không phải chỉ 1,7 giáo viên/lớp. Nếu vậy thì số giáo viên tiểu học phải cần gấp đôi. Một số địa phương gọi là bão hòa là do đào tạo dưới chuẩn, không bồi dưỡng". Vì vậy, ông đề nghị không nên mở đa ngành các trường sư phạm. Ông Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Thái Nguyên thì bức xúc:   các trường sư phạm còn thiếu KTX, thiếu giảng đường, thiếu thư viện; tỷ lệ giảng viên học hàm học vị thấp hơn các trường khác khoảng 2%; lương của giáo viên thấp hơn các ngành khác...

Đặc biệt, ông Lộc lo lắng: "Hiện chỉ 3 trường ĐH trong ĐH vùng là đào tạo thuần túy sư phạm, kể các các trường sư phạm lớn đã chuyển sang đào tạo đa ngành. Câu hỏi đặt ra là có tồn tại các trường sư phạm truyền thống hay không? Với xu hướng đa ngành này thì những trường không phải sư phạm cũng mở ngành sư phạm. Như vậy chúng ta hình dung như thế nào về hệ thống sư phạm?".

Một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị là sẽ định hướng các trường sư phạm đào tạo theo mô hình khép kín (đào tạo sư phạm ngay từ đầu) hay mô hình mở (đào tạo khoa học cơ bản trước, nghiệp vụ sư phạm sau). Theo ông Nguyễn Văn Lộc thì nên kết hợp giữa đào tạo kín và mở. Trong đó, giai đoạn hiện nay vẫn coi trọng mô hình truyền thống là đào tạo khép kín, vì theo ông nếu sinh viên được định hướng nghề sư phạm ngay từ đầu sẽ rất tốt và ngay từ năm thứ nhất đã có thể đứng lớp thực tập. Hơn nữa, mô hình đào tạo truyền thống này còn đang rất mạnh ở Việt Nam, nếu bỏ đi là rất phí!

Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang lại cho rằng: "Chúng ta phải thấy khuynh hướng thế giới cái nào tốt nhất để ta chọn. Đào tạo thầy giáo phải chuyên sâu nhưng lại có kỹ năng sư phạm. Cách đào tạo hiện nay là học vẹt, khi ra trường lại "trả thù" học sinh bằng cách dạy vẹt!".  Ông đề xuất: phải đổi mới tư duy trong đào tạo. Trước đây ta lấy đầu vào là cấp hai, cấp ba thì nay phải lấy đầu vào từ đại học; phải lấy những người có kiến thức sâu và bao quát để đào tạo sư phạm vì đây là những người được đào tạo ra để giáo dục con người.

       Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.