Cô Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng trường TCCN Kinh tế - Kỹ thuật Vạn Tường băn khoăn: "Bộ tăng 9% chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ TCCN ở các trường ĐH nên "thị phần" chắc chắn sẽ bị san sẻ. Các trường TCCN phải tìm nhiều cách để thu hút thí sinh. Tuy nhiên vẫn khó lòng cạnh tranh lại vì chỉ tiêu hệ TCCN của các trường ĐH rất lớn".
Nhìn vào số lượng chỉ tiêu mà các trường ĐH tuyển sinh hệ TCCN trong năm nay, thì không trường TCCN nào "địch" nổi: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: 2.500 chỉ tiêu, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM: 1.700 chỉ tiêu, ĐH Hồng Bàng: 2.400 chỉ tiêu, ĐH Lạc Hồng: 3.000 chỉ tiêu... Tổng số chỉ tiêu TCCN của các trường ĐH, học viện năm nay lên tới 40 nghìn. Trường TC Vạn Tường là trường tư thục có nhiều thế mạnh nhưng cũng chỉ tuyển 1.500 chỉ tiêu, trường TC Tây Nam Á 1.000 chỉ tiêu, trường TC Tin học - Kinh tế Sài Gòn 1.000 chỉ tiêu...
Nói về việc "san sẻ" này, thạc sĩ Đặng Thị Hòa, Hiệu trưởng trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á nêu 2 bức xúc chung của các trường TCCN: "Thứ nhất, tôi muốn nói đến việc đào tạo hệ TC của các trường ĐH. Có một số trường phải đi thuê phòng cho bậc TCCN học, phòng thực hành cũng thiếu hoặc không đạt tiêu chuẩn của việc đào tạo TCCN. Bởi vì bậc đào tạo chính của họ là đại học nên bậc này ít được quan tâm hơn. Như vậy là các trường chạy theo số lượng chứ chưa thực sự đào tạo theo chất lượng.
Thứ hai, là hiện nay có nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở dạy nghề... cũng lấy việc liên kết với các trường ĐH để đào tạo bậc TCCN từ xa, cơ sở vật chất không đủ điều kiện, như vậy làm sao để các em sau khi lấy bằng có thể làm việc tốt?".
Nhờ chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại nhiều tỉnh thành mà thí sinh hiểu rõ hơn về bậc học TCCN. Ảnh: Mỹ Quyên |
Từ lâu đã có nhiều ý kiến cho rằng nên để các trường ĐH đào tạo đến bậc cao đẳng, trường cao đẳng đào tạo đến bậc TC và trường TC thì được đào tạo kỹ thuật viên. "Có như vậy sự phân luồng mới rõ ràng và chất lượng mới được đảm bảo. Nếu để các trường TCCN tự cạnh tranh với nhau thì không có gì phải lo lắng, còn để chúng tôi phải cạnh tranh với các trường ĐH thì chắc chắn sẽ xảy ra nghịch lý là trường chuyên đào tạo TCCN lại thiếu thí sinh trong khi thí sinh lại bị "chảy" vào những trường ĐH mà chất lượng chưa chắc đã bằng các trường TCCN" - thạc sĩ Đặng Thị Hòa tiếp tục cho ý kiến.
Việc Bộ cho phép các trường TCCN tuyển sinh nhiều lần trong năm để đảm bảo chỉ tiêu chỉ là giải pháp "an ủi". Bởi thực chất không có trường nào muốn tuyển sinh đến lần 2, lần 3 hay lần 4 cả vì việc tổ chức sắp xếp lớp học sẽ khó khăn. Các trường tuyển sinh chưa đủ đợt đầu thì cùng lắm chỉ kéo dài thời gian đến tháng 10, tháng 11. Nếu tuyển sinh các đợt tiếp theo thì số lượng hồ sơ nộp cũng rất "hẻo", bởi cho đến thời điểm đó thì thí sinh sẽ đợi thi đại học luôn chứ không còn mặn mà học trung cấp. Thạc sĩ Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng trường TC Tin học - Kinh tế Sài Gòn cho hay: "Trường chủ trương chỉ tuyển sinh một lần để việc tổ chức giảng dạy được thuận lợi. Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều kế hoạch để thu hút thí sinh như trang bị máy chiếu cho tất cả các phòng học lý thuyết, xây trường học...".
Ông Lưu Đức Tiến, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: "Tuy rằng các trường TCCN còn nhiều khó khăn trong tuyển sinh nhưng tôi nghĩ càng ngày phụ huynh và học sinh càng hiểu rõ hơn và có cái nhìn đúng đắn về lợi thế của bậc học này. Năm nay, có khả năng thí sinh đăng ký học TCCN sẽ đông hơn. Vì những học sinh thi tốt nghiệp đợt 2 chắc chắn có nhiều em sẽ lựa chọn học TCCN". Đó cũng là một điểm mới mẻ giúp cho các trường TCCN có thêm nhiều hy vọng.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)