Các ứng viên hứa hẹn của Nobel Hòa bình 2022

07/10/2022 07:30 GMT+7

Giải Nobel Hòa bình được xem là hạng mục gây tranh cãi nhất trong số các giải thưởng mang tên nhà phát minh người Thụy Điển.

Chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2022 sẽ được công bố vào ngày 7.10 tại Oslo, thủ đô Na Uy. Đây là một trong 6 giải Nobel được trao hằng năm, bên cạnh giải thưởng trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y sinh, văn học và kinh tế.

Ủy ban Nobel Na Uy, một hội đồng gồm 5 thành viên do quốc hội Na Uy chỉ định, chịu trách nhiệm chọn ra cá nhân/tổ chức để trao giải Nobel Hòa bình từ các đề cử. Theo Hãng tin Reuters, danh sách năm nay gồm 343 đề cử, nhưng danh sách này sẽ được giữ bí mật trong vòng 50 năm.

Theo tạp chí Time, những cá nhân có khả năng giành chiến thắng năm nay bao gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Sviatlana Tsikhanouskaya - chính trị gia phe đối lập ở Belarus, Greta Thunberg - nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển, Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe... bên cạnh các tổ chức như Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Myanmar, báo The Kyiv Independent...

Những cái tên nổi bật

Tổng thống Zelensky là người được các nhà cái dự đoán sẽ giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Trở thành nguyên thủ quốc gia Ukraine từ năm 2019, ông đã lãnh đạo đất nước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Hình ảnh ông mặc chiếc áo thun màu xanh olive đã trở nên quen thuộc trên truyền thông quốc tế, cũng là một trong hình ảnh định nghĩa cuộc chiến.

Từ trái sang: Tổng thống Zelensky, Nhà hoạt động môi trường Thunberg, Ngoại trưởng Kofe

Reuters

Cùng với những diễn biến ở Ukraine, UNHCR đã xuất hiện ở tuyến đầu hỗ trợ những người dân đang gặp khó khăn, trong khi báo The Kyiv Independent nỗ lực đưa tin từ vùng chiến sự, trở thành một trong những kênh truyền thông đáng chú ý nhất. Cả hai đều là những cái tên có thể được xướng lên tại Oslo ngày 7.10.

Ở tuổi 19, nhà hoạt động Greta Thunberg đã trở thành cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực môi trường những năm gần đây. Cô nổi tiếng vì dám đứng lên thách thức lãnh đạo các cường quốc trên thế giới, nhằm buộc họ phải làm nhiều hơn nữa trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Cũng trong lĩnh vực này, Ngoại trưởng Simon Kofe của Tuvalu từng gây chú ý khi đứng giữa biển để phát biểu trước các đại biểu tham dự hội nghị khí hậu COP26 năm 2021. Nước biển dâng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Tuvalu, nước có diện tích nhỏ thứ tư thế giới.

WHO cũng là cái tên có thể giành giải Nobel Hòa bình năm nay, sau gần 3 năm dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến với Covid-19. Bất chấp những chỉ trích ban đầu, WHO đã hỗ trợ tài chính, vắc xin và thiết bị giúp nhiều nước chống dịch, đặc biệt là thông qua chương trình COVAX.

Lịch sử giải thưởng Nobel: Có thể bạn chưa biết

Giải thưởng gây tranh cãi

Nhiều người tin rằng trong những thập niên gần đây, giải Nobel Hòa bình đôi khi được trao cho các cá nhân không đáp ứng tiêu chuẩn mà nhà sáng lập Alfred Nobel đề ra. Trong di chúc, ông nói giải này nên thuộc về “người làm nhiều nhất hoặc tốt nhất để vun đắp tình hữu nghị giữa các quốc gia, để xóa bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực, cũng như để tổ chức và thúc đẩy các tiến trình hòa bình”.

Theo trang Vox, giải Nobel Hòa bình có lẽ là giải thưởng gây tranh cãi nhất trong các giải Nobel, một phần là vì giải thưởng này có liên hệ mật thiết với chính trị. Một số chính trị gia giành được giải thưởng vì hành động thúc đẩy hòa bình, nhưng sau đó lại can dự vào xung đột (hoặc từng can dự trước đó), gây ra sự phản đối.

Đáng chú ý gần đây là trường hợp Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 2019 vì nỗ lực giải quyết xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea. Song sau đó, ông đã tiến hành một cuộc chiến tàn khốc ở vùng Tigray, miền bắc Ethiopia, trong đó cả hai bên đều bị cáo buộc phạm nhiều tội ác chiến tranh.

Năm 2018, bà Aung San Suu Kyi, người từng nhận được giải Nobel Hòa bình năm 1991, đã trở thành chủ đề tranh cãi giữa làn sóng chỉ trích hành động của chính phủ Myanmar khi đó đối với người Rohingya. Nhiều người kêu gọi thu hồi giải thưởng đã được trao cho bà nhưng luật không cho phép việc này.

Việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 cũng gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng thời điểm trao giải là quá sớm khi ông Obama vẫn đang trong năm đầu nhiệm kỳ. Không chỉ vậy, sau đó ông đã phát động nhiều chiến dịch tấn công quân sự ở nước ngoài, bao gồm việc đưa thêm 30.000 quân Mỹ đến Afghanistan.

Giải Nobel Hòa bình năm 2021 thuộc về hai nhà báo: bà Maria Ressa - người Philippines, sáng lập trang Rappler, và ông Dmitry Muratov - người Nga, Tổng biên tập tờ Novaya Gazeta. Ủy ban Nobel Na Uy nói nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận là lý do giúp họ giành được giải thưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.