(TNO) Trong khi chờ Hồng y đoàn công bố ngày tổ chức Mật nghị để bầu ra Giáo hoàng mới, AFP ngày 7.3 đã giới thiệu một số hồng y nổi bật, có tiềm năng kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI.
Hồng y Luis Antonio Tagle (Philippines ) - Ứng viên khiêm nhường
|
Hồng y Luis Antonio Tagle được xem như là niềm hy vọng của người Công giáo châu Á.
Ông còn trẻ, có tài hùng biện và là người kêu gọi các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo nên cởi mở và khiêm nhường hơn.
Sinh ra trong một gia đình lao động tại một vùng nông thôn ở Philippines, ông Tagle trở thành Tổng giám mục Manila vào năm 2011 khi mới 54 tuổi và được phong Hồng y vào tháng 11.2012, trở thành người lãnh đạo tôn giáo của hơn 80 triệu tín đồ Công giáo Philippines.
“Giáo hội nên noi theo đức tính khiêm nhường của Chúa Jesus”, ông Tagle phát biểu, đồng thời khẳng định việc truyền bá đức tin Công giáo trên toàn thế giới sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu Giáo hội biết cách lắng nghe giáo dân.
Được biết, tại Philippines, Hồng y Tagle nổi tiếng về việc từ chối chạy chiếc xe hơi công vụ khi được tấn phong làm Giám mục. Ông thường xuyên nán lại trò chuyện với giáo dân sau các buổi giảng đạo, và thậm chí thường hay mời những người ăn xin ăn tối tại nhà mình.
Hồng y Peter Turkson (Ghana) - Nhà hòa giải uyên bác
|
Hồng y Ghana 64 tuổi này được xem như một người hòa giải đáng kính tại quê nhà, nhưng lại vấp phải sự chỉ trích ở nước ngoài vì đã đưa ra một đoạn video cảnh báo về sự du nhập của đạo Hồi vào châu u tại một hội nghị tôn giáo hồi năm 2012.
Ông Turkson, vốn là người đứng đầu Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã đưa ra lời xin lỗi sau đó.
Ông cũng là một trong hai hồng y châu Phi đạt đủ tiêu chuẩn kế nhiệm Giáo hoàng vừa thoái vị Benedict XVI, cùng với Hồng y Nam Phi Wilfrid Napier.
Một số nhà phân tích nhận định việc ông Turkson trở thành ứng viên tiềm năng cho chức Giáo hoàng phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo châu Phi, vốn là nơi có số lượng giáo dân chiếm đến khoảng 15% tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.
Trong mắt các giáo dân và giáo sĩ tại châu Phi, ông Turkson là một nhà lãnh đạo tôn giáo uyên bác và nhẫn nại.
Được biết, trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2008, Ghana đứng trước nguy cơ bùng nổ xung đột chính trị khi mà cách biệt về phiếu bầu giữa hai ứng viên tranh cử chính chưa đến 1%, Hồng y Turkson đã đứng ra làm trung gian hòa giải hai đảng phái và đã nhận được sự kính trọng của người dân cho những nỗ lực của mình.
Hồng y Marc Ouellet (Canada) - Người kế vị bảo thủ
|
Hồng y Marc Ouellet, 68 tuổi, là một đại diện nhiều triển vọng cho khu vực Bắc Mỹ nhờ các mối quan hệ thân thiết với Giáo triều Roma.
Các nhà cái ở Anh và Ireland đặt cược cho Hồng y Ouellet chỉ sau Hồng Y Peter Turkson của Ghana và Tổng giám mục Manila Luis Antonio Tagle, người được bổ nhiệm lên chức Hồng y vào năm ngoái ở tuổi 54 nhờ chính Ouellet thuyết phục Giáo triều.
Hồng y Ouellet bị chỉ trích nhiều ở quê nhà Quebec vì ủng hộ các quy định phản đối hôn nhân đồng tính và phá thai của Giáo hội Roma, nhưng nhiều người đánh giá việc chỉ trích này sẽ không ảnh hưởng gì đến phiếu bầu từ các hồng y khác dành cho ông.
Ouellet cũng được đánh giá là một nhà lãnh đạo tôn giáo chính thống có cùng quan điểm với Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict về phát triển Giáo hội, thậm chí được tin tưởng có thể làm tốt hơn.
Báo chí Canada gọi ông là “Hồng y Sắt” vì các quan điểm cứng nhắc về Giáo hội. Gilles Routhier, Trưởng khoa thần học của Đại học Laval, một trong những đại học lớn nhất ở Quebec và Canada, cũng tiên đoán rằng vị Hồng y này sẽ nới rộng khoảng cách giữa bộ phận tôn giáo bảo thủ và những người theo khuynh hướng cách tân.
Ouellet được phong cha xứ tại một huyện ở Quebec vào tháng 5.1968 sau khi tốt nghiệp đại học về triết và thần học. Ông nhanh chóng được thăng chức, thành Giám mục năm 2001, và Tổng giám mục trong cùng một năm, dưới thời Giáo hoàng John Paul II.
Ông được tấn phong Hồng y hai năm sau đó.
Nhiều người nghĩ rằng ông đã có thể kế nhiệm Giáo hoàng John Paul II vào năm 2005, nhưng được biết ông đã ủng hộ Hồng y Đức Ratzinger, người sau này trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.
Phát biểu trên đài phát thanh CBC (Canada), Ouellet cho biết: “Tôi nghĩ rằng các hồng y khác có nhiều cơ hội hơn, nhưng ngay cả như thế thì tôi vẫn phải sẵn sàng cho vị trí Giáo hoàng”.
Hồng y Peter Erdo (Hungary) - Ứng viên cho một nhiệm kỳ dài
|
Ở tuổi 60, Hồng y Peter Erdo được đánh giá là trẻ trung so với nhiều ứng viên Giáo hoàng khác.
Erdo, một chuyên gia về luật giáo Thiên Chúa và có thể nói được bảy thứ tiếng, được đánh giá là ứng viên hàng đầu của châu u và có thể là ứng viên hàng đầu của cả Mật nghị đối với những người mong muốn một nhiệm kỳ Giáo hoàng dài.
Nếu được bầu, ông Erdo sẽ là Giáo hoàng thứ 2 của Đông u, sau Giáo hoàng John Paul II của Ba Lan.
Ông là con cả trong một gia đình Công giáo sáu anh em tại thủ đô Budapest, và đã thăng tiến rất nhanh trên hành trình cống hiến cho Giáo hội.
Năm 2002, ông được tấn phong Tổng giám mục Hội thánh Esztergom-Budapest và một năm sau thì trở thành Hồng y, và là hồng y trẻ nhất tham gia buổi Mật nghị bầu Giáo hoàng Benedict XVI năm 2005, khi đó ông 52 tuổi.
Ông Erdo là một người khá trung hòa về các vấn đề như kết hôn đồng giới, tránh thai và linh mục nữ. Có lần ông phát biểu tại một buổi lễ rằng: “Giáo hội không được vướng vào các vấn đề đương đại”.
Nhiều người biết đến Erdo về nhiệt huyết truyền đạo, cũng như thái độ cởi mở của ông đối với các tôn giáo khác, đặc biệt là cộng đồng Do Thái giáo ở Hungary. Mới đây ông bị chỉ trích vì ăn trưa tại một nhà hàng của người Do Thái nổi tiếng ở Budapest.
Trong một bài phỏng vấn với tờ nhật báo hàng đầu Hungary Nepszabadsag hồi năm 2012, Erdo nói rằng: “Trách nhiệm của hồng y là đại diện cho niềm tin, hy vọng và tình yêu”.
Hồng y Christoph Schoenborn (Áo) - Người có quan điểm ôn hòa giống Giáo hoàng Benedict XVI
|
Sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc, nhưng Hồng y Christoph Schoenborn được biết đến như một nhân vật có quan điểm ôn hòa trong Giáo hội.
Với dáng cao, gương mặt thân thiện và lúc nào cũng mỉm cười, Hồng y Schoenborn được xem như là một trong những ứng viên triển vọng để kế nhiệm Giáo hoàng vừa thoái vị.
Được xem là một nhà thần học kiệt xuất, Schoenborn tự đánh giá mình là một người bảo thủ về các vấn đề tôn giáo nhưng phóng khoáng về các vấn đề xã hội.
Ông đã gay gắt chỉ trích các linh mục Áo và đe dọa sẽ kỷ luật họ vì việc tổ chức một cuộc vận động trong hai năm qua để đòi bãi bỏ việc sống chay tịnh.
Nhưng đồng thời, ông cũng khiến nhiều người ngạc nhiên vào năm 2010 khi ông đặt vấn đề rằng liệu việc sống chay tịnh có phải là cách sống phù hợp cho các linh mục hay không.
Lời phát biểu được đưa ra ngay giữa lúc một vụ bê bối tình dục đang bao trùm Giáo hội Công giáo Roma ở Áo và toàn thế giới.
Sau đó, ông có bào chữa cho phát ngôn của mình, rằng ông chỉ cố kêu gọi các linh mục sống chay tịnh theo lời thề của họ, thế nhưng ông vẫn bị gắn mác “trung hòa” từ sự việc này.
Schoenborn gắn kết với Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict từ cách đây 40 năm, khi ông học một năm tại thành phố Regensburg ở miền nam nước Ý, nơi Giáo hoàng Benedict khi đó đang giảng dạy.
Trả lời phỏng vấn báo chí Áo vào tháng 4.2012, Schoenborn cho biết tu sĩ Thiên Chúa giáo cần liên tục sống chay tịnh vì đó là “một sự bảo vệ đặc biệt và là nguồn sức mạnh” cho Giáo hội.
Ông cũng phản đối việc tấn phong phụ nữ, việc tránh thai, phá thai và các quan hệ đồng giới.
Thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ý và Đức, Schoenborn là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc thắt chặt mối quan hệ Đông Tây và đối thoại giữa các tôn giáo.
Hoàng Uy
Ảnh: AFP
>> Các hồng y tề tựu về Rome chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới
>> Cá cược về giáo hoàng mới
>> 6 điều về Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng
>> Giáo hoàng Benedict XVI từ biệt trong lặng lẽ
>> Giáo hoàng chính thức thoái vị
>> Biển người tiễn biệt Giáo hoàng Benedict XVI
>> Cuộc sống của Giáo hoàng Benedict XVI sau khi thoái vị
>> Giáo hoàng cho phép tổ chức sớm mật nghị
Bình luận (0)