Huyết áp là áp lực tác động lên bên trong thành mạch máu khi máu lưu thông. Nếu áp lực này cao vượt mức bình thường sẽ gọi là huyết áp cao. Việc duy trì huyết áp khỏe mạnh rất quan trọng với sức khỏe, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Để biết một người có bị huyết áp cao hay không và cách điều trị thì điều đầu tiên cần làm là phải đo huyết áp. Chỉ số huyết áp sẽ giúp bác sĩ biết được sức ép mà tim phải chịu cũng như tình trạng mạch máu.
Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến kết quả đo huyết áp tăng cao một cách giả tạo. Những yếu tố thường gặp nhất có thể ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp là có uống caffeine, dùng một số loại thuốc, tình trạng căng thẳng, chất lượng giấc ngủ và thậm chí cả tư thế ngồi.
Một yếu tố khác ít người nghĩ đến là ảnh hưởng của hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng. Hội chứng này xảy ra khi người mắc bệnh thấy bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng sẽ bỗng dưng bị tăng huyết áp đột ngột. Nguyên nhân là do khi nhìn thấy bác sĩ mặc áo blouse trắng sẽ kích hoạt cảm giác lo lắng, khiến tăng hoóc môn căng thẳng adrenaline và làm tăng huyết áp.
Trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ) cho biết hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng có thể ảnh hưởng từ 15-30% những người bị huyết áp cao. Ngoài ra, ngay cả người khỏe mạnh cũng có thể gặp tình trạng này. Các biện pháp như hít thở sâu, thiền sẽ giúp bình tĩnh hơn và hạn chế tác động của hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng.
Tư thế ngồi cũng tác động đến chỉ số huyết áp. Nghiên cứu trên chuyên san Blood Pressure Monitoring cho thấy ngồi tư thế bắt chéo chân ở ngang đầu gối khi đo huyết áp có thể làm tăng đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương. Do đó, để đảm bảo kết quả đo chính xác, tư thế ngồi cần thoải mái, 2 chân để tự nhiên, bàn chân đặt trên sàn, lưng tựa vào ghế và giữ cánh tay ngang tim.
Một yếu tố bất ngờ khác cũng có thể ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp là tình trạng đầy bàng quang. Bàng quang căng đầy nước tiểu có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm và làm tăng huyết áp tạm thời. Bên cạnh đó, các yếu tố như trời nóng bức, cơ thể bị sốt, mất nước hay đang bị nhiễm trùng cũng làm tăng huyết áp tạm thời, theo Healthline.
Bình luận (0)