Các YouTuber, Facebooker kiếm tiền tỉ mà trốn thuế bị xử lý như thế nào ?

Bích Ngân
Bích Ngân
17/03/2021 19:59 GMT+7

Người có thu nhập từ mạng xã hội Facebook, YouTube... thuộc trường hợp kinh doanh phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Trường hợp trốn thuế thì bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan hoạt động kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube... đang ngày càng gia tăng, nhiều người có thể thu nhập tiền tỉ, chuyên gia pháp lý cho rằng người có thu nhập từ mạng xã hội Facebook, YouTube... thuộc trường hợp kinh doanh phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Trường hợp không kê khai, trốn đóng thuế  thì bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

YouTuber Thơ Nguyễn nộp thuế bao nhiêu trước lùm xùm xin vía búp bê?

Siết chặt việc quản lý truy thu thuế

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Trần Minh Cường (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết để tạo công bằng, an sinh xã hội thì người có thu nhập trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube... phải kê khai và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng thuế đối với Nhà nước theo quy định.
“Hiện nay, Việt Nam có mức đóng thuế đối với thu nhập từ các nền tảng mạng xã hội là 7%. Đây là mức tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi mức thuế này áp dụng tại Mỹ có thể lên đến 30%. Do đó, các cá nhân kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube cần chủ động, trung thực trong việc kê khai, đóng thuế theo quy định để tránh các rủi ro pháp lý có thể đối mặt”, LS Minh Cường nhận định.
Cụ thể, Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và giá trị gia tăng. Trong trường hợp trên, các cá nhân sẽ nộp thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% và thuế TNCN thuế suất 2%, tổng cộng sẽ nộp 7% trên doanh thu.
Ngoài ra, Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng quy định cần siết chặt việc quản lý truy thu thuế từ các hoạt động phát sinh thu nhập từ các nền tảng xã hội nước ngoài. Đồng thời, các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khi được ngành thuế yêu cầu. Do đó, những cá nhân có thu nhập cao qua tài khoản ngân hàng có thể sẽ bị thuế nắm thông tin và tiến hành truy thu thuế, LS Minh Cường cho biết thêm.

YouTuber Thơ Nguyễn bị phạt 7,5 triệu đồng vì "xin vía búp bê"

Người nộp thuế nên chủ động kê khai

LS Trần Minh Cường lưu ý, để đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thuế cũng như giảm mức phạt hành chính về thuế và tránh trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người nộp thuế nên chủ động kê khai và nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định pháp luật trước khi cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý vi phạm.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, việc khấu trừ chi phí chỉ xem xét áp dụng cho doanh nghiệp. Trường hợp cá nhân kinh doanh thì thuế phải nộp được tính theo doanh thu chứ không phải là lợi nhuận.
“Có nghĩa là khi tính thuế, bạn sẽ không được khấu trừ những chi phí đã bỏ ra phục vụ hoạt động sản xuất hay quảng bá clip của mình, như: chi phí mua các tranh thiết bị vật dụng phục vụ sản xuất nội dung YouTube... Do đó, đối với những kênh lớn có nhiều nhân sự và tốn kém nhiều chi phí thì nên thành lập công ty để được xem xét khấu trừ những khoảng chi này”, LS Minh Cường khuyến cáo.

Kênh YouTube Thơ Nguyễn ẩn hết video, tắt kiếm tiền và nói lời "tạm biệt"

Chế tài xử phạt nếu trốn thuế

Trao đổi với Thanh Niên, LS Lê Trung Phát (thuộc đoàn LS TP.HCM) cho biết về mặt hành chính, trường hợp người có nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế nhưng chậm thực hiện việc nộp hồ sơ kê khai thuế thì có thể bị xử phạt theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau: phạt cảnh cáo nếu chậm kê khai từ 1 - 5 ngày, phạt từ 2 - 25 triệu đồng tùy thuộc vào thời hạn chậm kê khai.
Ngoài ra, sau khi có quyết định xử phạt hành chính mà người vi phạm vẫn chậm nộp tiền phạt, thì sẽ bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với số tiền là 0.05%/ngày trên số tiền phạt chậm nộp.
“Riêng đối với số tiền do việc chậm kê khai dẫn đến chậm nộp thuế, thì người nộp thuế ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, còn phải nộp tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 100/2016/NĐ-CP”, LS Trung Phát phân tích.
Về mặt hình sự, LS Minh Cường cho biết, “Trong một số trường hợp (người cố tình vi phạm với số tiền lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này) mà vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “trốn thuế” với khung hình phạt lên đến 7 năm tù”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.