Mẹ tôi mất cách đây 5 năm không để lại di chúc. Toàn bộ tài sản của cha mẹ vẫn do bố tôi quản lý gồm 1 căn nhà đang ở và 5 thửa ruộng. Cha tôi cũng vừa qua đời được 3 tháng do bệnh tật.
Gia đình tôi phát hiện trong tủ của cha có tờ di chúc do chính tay ông viết với nội dung để lại căn nhà này cho người con riêng (ngoài giá thú) đã 19 tuổi. Còn lại 5 lượng vàng và 2 cái nhẫn kim cương, trong di chúc ông nói để lại cho tôi, nhưng lại không nhắc gì đến 5 thửa ruộng.
Hiện ông bà nội của tôi sức khỏe yếu, đang do tôi chăm sóc. Tôi nay mới tốt nghiệp đại học nên cũng cần chút vốn để làm ăn.
Vậy ông bà tôi không có tên trong di chúc thì có được thừa hưởng gì không? Di chúc của bố chỉ có viết tay, không có người làm chứng, có hiệu lực không? Nhờ báo tư vấn giúp tôi trong việc phân chia tài sản trên.
Bạn đọc Thành Băng.
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty luật Viên An) tư vấn, theo điều 628 bộ luật Dân sự, di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc không có người làm chứng, di chúc có người làm chứng, di chúc có công chứng và di chúc có chứng thực. Di chúc có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định.
Về hiệu lực của di chúc viết tay
Để bản di chúc do chính tay cha của bạn viết và không có người làm chứng có hiệu lực, phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 điều 630 bộ luật Dân sự).
Thứ hai, nội dung di chúc gồm các nội dung chủ yếu tại điều 631 bộ luật Dân sự: thời gian, thông tin người lập di chúc, thông tin người được hưởng di sản, thông tin về di sản…
Thứ ba, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc (điều 633 bộ luật Dân sự).
Vì vậy, bản di chúc do cha bạn viết tay nếu đáp ứng được các quy định trên thì vẫn có hiệu lực theo quy định pháp luật. Trừ trường hợp bạn có căn cứ chứng minh tại thời điểm lập di chúc, trạng thái tinh thần của cha bạn không được minh mẫn, sáng suốt hoặc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Phân chia di sản thừa kế
Trường hợp, di chúc của cha bạn để lại có hiệu lực, đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định thì việc phân chia di sản thực hiện như sau:
Về chia căn nhà: đây là tài sản chung của cha mẹ bạn trong thời kỳ hôn nhân. Khi mẹ mất không để lại di chúc, còn cha thì để lại di chúc cho người con riêng toàn bộ căn nhà. Do đó, 1/2 căn nhà thuộc sở hữu của mẹ bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật; 1/2 căn nhà thuộc sở hữu của cha bạn sẽ chia theo di chúc.
Theo điều 650 và 651 bộ luật Dân sự, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc. Những người thừa kế theo pháp luật có hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha mẹ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Cụ thể được chia như sau:
Đối với 1/2 căn nhà của mẹ bạn, do không có di chúc nên được chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy, cha và bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên mỗi người được hưởng một nửa di sản do mẹ bạn để lại, tương tứng mỗi người được hưởng 1/4 căn nhà.
Tổng cộng, phần của cha bạn sẽ là 3/4 căn nhà (gồm 1/2 căn nhà của cha bạn và 1/4 căn nhà được hưởng thừa kế từ mẹ bạn); bạn được hưởng 1/4 căn nhà là phần của mẹ để lại.
Đối với 3/4 căn nhà của cha bạn, mặc dù cha có di chúc để lại toàn bộ căn nhà cho con riêng, tuy nhiên ông bà nội của bạn là người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Bởi theo điều 644 bộ luật Dân sự, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản.
Tức cả hai ông bà nội được hưởng 1/4 căn nhà (mỗi người được hưởng 1/8); còn người con riêng được hưởng 1/2 căn nhà.
Về chia 5 thửa ruộng: đây là tài sản mà cha mẹ bạn không để lại di chúc, nên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho các hàng thừa kế thứ nhất gồm: bạn, ông bà nội và người con riêng.
Tương tự như căn nhà, bạn được hưởng 1/4 ruộng đất của mẹ và còn 3/4 ruộng đất còn lại là của cha bạn.
Lúc này, 3/4 ruộng đất của cha bạn sẽ tiếp tục được chia đều cho 4 người gồm: ông bà nội, bạn và người con riêng. Theo đó, bạn được hưởng tổng cộng 7/16 ruộng đất (1/4 được hưởng từ mẹ và 3/16 từ cha), ông bà nội được hưởng 6/16 và người con ngoài riêng được hưởng 3/16.
Về chia 5 lượng vàng và 2 nhẫn kim cương: nếu đây là tài sản riêng của cha bạn thì cha bạn có quyền để lại cho bạn thừa kế như nội dung di chúc. Tuy nhiên, ông bà nội vẫn được thừa kế tài sản này mà không phụ thuộc vào di chúc. Vì thế bạn chỉ được hưởng 2/3 tổng giá trị vàng, nhẫn kim cương; ông bà nội hưởng 1/3 giá trị còn lại.
Trường hợp toàn bộ 5 lượng vàng và 2 cái nhẫn kim cương là tài sản chung của cha mẹ bạn, thì tương tự như chia nhà, ruộng đất ở trên. Bạn được hưởng 1/4 giá trị di sản vàng, nhẫn kim cương từ mẹ bạn. Còn lại 3/4 là của cha bạn được chia cho ông bà nội 1/4 giá trị và bạn được hưởng thêm 1/2 giá trị còn lại. Tổng cộng bạn được hưởng 3/4 giá trị vàng, nhẫn kim cương; ông bà nội được hưởng 1/4 giá trị; người con riêng không được hưởng vì trên 18 tuổi.
Trong vụ việc của bạn, mỗi người thừa kế đều có quyền yêu cầu phân chia tài sản bằng hiện vật. Nếu không thể chia bằng hiện vật, thì những người thừa kế có thể thỏa thuận định giá tài sản trên quy ra tiền rồi chia nhau.
Bình luận (0)