Cách để an toàn khi đi du học: Bảo vệ bản thân tại Mỹ

29/03/2018 18:58 GMT+7

Không ít phụ huynh nghĩ rằng con đã ra nước ngoài học tức là đi tới thiên đàng, an toàn tuyệt đối. Nhưng không phải như vậy!

Đa phần các bậc phụ huynh không có điều kiện qua thăm trường của con khi cho các cháu du học. Nhiều phụ huynh cũng không rành tiếng Anh, nên khó lòng giao tiếp với các trường sở ở nước ngoài. Hơn nữa, không ít người nghĩ rằng đã ra nước ngoài tức là đi tới thiên đàng, an toàn tuyệt đối.

Bởi vậy nên tôi muốn viết vài dòng chia sẻ về an toàn cho du học sinh, bằng cách cung cấp thêm một số hiểu biết cho các bạn về thực tế trường sở của các cháu, nhất là ở Mỹ, là nơi tôi có dịp đi khá nhiều đại học và trung học nội trú.

Vấn đề từ trường quá rộng

Trường ở Mỹ nói chung là rất rộng. Những trường lớn thì to như một thành phố với dăm sáu chục ngàn sinh viên. Ví dụ như các đại học tiểu bang. Nói về diện tích của các đại học kiểu này, nó rộng hàng ngàn ha, tới vài ngàn ha là bình thường. Vì cái trường to khủng như vậy, nên không có hàng rào, không có phân chia khu vực theo kiểu VN, cũng tìm mãi có khi chả ra một cái cổng trường nào. Bởi vậy nên đi lại trong trường, ở gần thì đi xe đạp, còn lại thì đi xe hơi nếu muốn đi từ chỗ này qua chỗ khác. Và vì vậy có rất nhiều góc trong trường chả có người vãng lai, vắng hoe. Vào ban đêm có thể tối mờ tối mịt. Bởi vậy nên phụ huynh cần hiểu rõ để trước khi cho các cháu du học, hay hiện các cháu đang du học, thì giúp các cháu hình dung ra vấn đề an toàn. Chỉ một bất cẩn có thể mất mạng.

Chính vì các trường quá rộng như vậy, nên phải có đội bảo vệ, có cảnh sát. Họ cũng không đứng một chỗ mà chạy lòng vòng coi có sự vụ gì không thì xử lý luôn. Và sinh viên học sinh sẽ phải nhờ họ hộ tống nếu về muộn. Mà chỉ cần là từ thư viện về tới ký túc xá đã xa lơ xa lắc rồi, chưa nói đi làm hay đi học ở giảng đường xa. Tuy nhiên các cháu tốt nhất là đi thành tốp, và cũng đừng ham ở lại nơi nào ngoài chỗ ở quá khuya. Sau 11 giờ đêm, không ai muốn hộ tống các cháu thường xuyên để về phòng ở trong tình trạng vậy cả.

Không phải khu vực nào ở Mỹ cũng có sóng điện thoại ngon lành. Vì vậy nên nếu đi vào chỗ không có sóng thì có kêu cứu cũng toi đặc. Nên cẩn thận.

Những trường tốt thường khá kén chọn nhân thân của sinh viên nên ít tai họa. Còn những trường tuyển ào ạt, mà lại nằm trong khu vực có nhiều khu dân cư phức tạp, thì bạn học trong trường khá phức tạp. Bởi vậy nên phải cảnh giác với những trường lôm côm này. Trong đó các trường cao đẳng cộng đồng và đại học cấp vùng be bé là có nhiều yếu tố về an toàn phải xem xét.

Tìm hiểu quanh khu vực học

Khi chọn nơi học cho du học sinh, các phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về tỷ lệ tội phạm của khu vực cháu tới, của đại học mà cháu sẽ gia nhập. Nếu tỷ lệ cao nên coi xét lại . Vì những con số này được thông báo minh bạch, rõ ràng, chỉ có các công ty du học là chả bao giờ cung cấp cho các bậc cha mẹ cả.

Những mâu thuẫn có thể dẫn tới bạo lực rất dễ xảy ra nếu có khác biệt về văn hóa. Vì vậy nên hãy dạy các cháu cách chung sống ôn hòa với mọi người trong môi trường văn hóa đa chủng tộc. Các cháu cũng không nên có thái độ hùng hổ hay lời lẽ quá đáng với bạn bè khi mâu thuẫn. Bởi từ đó dẫn sẽ dẫn tới hậu quả xấu. Nhất là các cháu du sinh VN hay co cụm trong cộng đồng, không giỏi giao tiếp , thiếu hiểu biết về văn hóa với các bạn bản địa và các du sinh quốc tế.

Nên biết rõ những ai đang ở cùng cháu, nhân thân ra sao, tính cách thế nào để dạy các cháu cách lựa nhau mà sống. Tránh chọn nhầm mấy bạn ưa nghiện hút, bỏ học đi chơi. Các kỹ năng mềm này cực kỳ quan trọng.

Hãy đồng hành cùng con bằng cách thường xuyên tâm sự, trò chuyện, làm chỗ dựa tinh thần cho các cháu. Khi bám sát thông tin về con, đặc biệt là nề nếp, lối sống, các mối quan hệ của con, các bạn sẽ vững tâm hơn. Đừng bao giờ có tâm lý tự ti rằng giờ con giỏi hơn cha mẹ, nó không nghe cha mẹ nữa. Bạn hãy nói với con rằng dù nó có thế nào, hàng ngày hàng tuần cần nhắn tin báo tình hình cho gia đình biết chừng. Vì theo luật dân sự, cha mẹ chính là người chịu trách nhiệm dân sự đầu tiên nếu con có cơ sự gì xảy ra ( tất nhiên không thay thế trách nhiệm cá nhân của các cháu).

Tác giả là một nhà báo, từng nổi tiếng với hành trình cùng con tìm học bổng trường trung học nội trú. Sau các kỳ thi căng thẳng, 9 trường trung học nội trú công bố con chị được nhập học và cấp học bổng. Trong đó có 5 trường tại Mỹ, 3 trường tại Anh và một trường tại Úc. Từ kinh nghiệm cá nhân và kiến thức của mình, chị đã chia sẻ những cách du học sinh cần biết để có sự an toàn khi đi du học.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.