Ở một mình tự do nhưng phải tự lo
Bên cạnh những lợi ích như có không gian riêng tư, yên tĩnh, thoải mái giờ giấc sinh hoạt thì ở trọ một mình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất an và lo lắng.
Sống một mình trong căn phòng trọ ở đường Nam Cao, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) suốt 4 năm nay, Trần Thị Tường Vy (22 tuổi) kể: "Ở trọ một mình tuy thoải mái nhưng có nhiều nỗi lo, sợ nhất là không may ốm đau lúc nửa đêm thì chẳng biết phải nhờ ai. Có những lúc đau ốm nhưng phải tự đi mua thuốc, dù trong người không còn chút sức lực vẫn phải cố gắng gượng đi ra ngoài để mua đồ ăn".
Không chỉ tự lo những lúc ốm đau mà cô nàng gen Z này còn cảm thấy buồn vì làm gì cũng lủi thủi một mình. "Ngày nào cũng nấu cơm rồi thui thủi ngồi ăn một mình, nhiều khi tủi thân, cô đơn nên nhớ nhà rồi khóc. Đi làm về trễ mở cửa phòng, bật điện lên nhưng chẳng có ai. Chưa kể có những hôm hàng xóm cãi nhau, đập đồ văng qua cửa phòng mình, sợ lắm. Mình là con gái nên cũng lo lắng trộm cắp rồi biến thái đột nhập", Vy trải lòng.
Cũng chịu cảnh một thân một mình ở căn phòng trọ nhỏ tại 42/2 Lương Ngọc Quyến, P.5, Q.Gò Vấp (TP.HCM), Võ Thị Tố Trinh, sinh viên Trường CĐ FPT Polytechnic chia sẻ: "Thời gian đầu mới chân ướt chân ráo vào thành phố mà thuê trọ ở một mình nên bản thân và gia đình mình rất lo lắng. Ở đây cuộc sống phức tạp nên lúc nào cũng trong tâm thế bất an, đề phòng. Vì lo sợ trộm cắp tấn công nên nhiều đêm cứ thấp thỏm không ngủ được".
Lần đầu sống xa gia đình chưa bao giờ là dễ dàng với các bạn sinh viên mà vừa xa nhà vừa sống một thân một mình lại càng khó khăn hơn. "Ở một mình buồn nhất là lúc ăn cơm, nhiều khi mong có người ngồi ăn cùng vì thèm cái cảm giác vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả như ở nhà. Hơn nữa, có những ngày đi làm thêm về trễ hay gặp chuyện không vui, lúc đó rất mệt mỏi nhưng về phòng cũng chẳng có ai để tâm sự, buồn vô cùng", Trinh tâm sự.
Nhiều sinh viên ở trọ một mình còn bất lực vào những mùa thi cử vì lỡ ngủ quên cũng không có ai gọi dậy. "Có những hôm thức khuya ôn bài nên sáng dậy không nổi dẫn đến đi học trễ, nhưng đi thi mà trễ thì xác định học lại. Mình từng suýt chút nữa phải học lại môn vì ngủ quên. Mặc dù đã đặt báo thức nhưng chẳng hiểu sao lại ngủ quên tới sát giờ thi, lúc tỉnh dậy hoảng quá chỉ thay vội bộ đồ rồi cuống cuồng chạy lên trường, cũng may là ở trọ gần trường. Những lúc đó lại ước gì có bạn cùng phòng để đánh thức mình dậy", Trần Đức Huy, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM bày tỏ.
Những kinh nghiệm để đảm bảo an toàn khi sống một mình
Tuy ở trọ một mình có rất nhiều điều bất an và lo lắng nhưng nó cũng có những lợi ích riêng. "Ở một mình nên có không gian riêng tư, giờ giấc sinh hoạt thoải mái, muốn làm gì thì làm không sợ phiền đến ai. Nhất là những đợt thi cử sẽ có không gian yên tĩnh để tập trung học bài. Hơn nữa, ở trọ một mình nên việc gì cũng phải biết làm, điều này giúp bản thân mình tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều. Từ sửa máy quạt cho tới thay bóng đèn việc gì mình cũng tự làm được", Vy kể.
Vy cũng chia sẻ thêm sống một mình buồn quá thì sẽ tự biết cách tạo niềm vui cho bản thân. Còn những lúc đau ốm bình thường thì tự lo liệu, lúc nguy cấp hay bệnh nặng nếu không tự giải quyết được thì nhờ bạn đến giúp. "Nếu cảm thấy không ổn mình hay dặn bạn bè để ý điện thoại để cần thì gọi và nhờ giúp đỡ", Vy nói.
Nhiều người trẻ lựa chọn việc ở trọ một mình để thoải mái, có khoảng không gian riêng tư, có thể tập trung làm việc mà không bị ai làm phiền và ngược lại, cũng như tránh những tình cảnh "oái ăm" khi ở chung, sống ghép. Tuy nhiên cần "bỏ túi" những điều nên nhớ để có thể an toàn khi ở trọ một mình.
Chia sẻ về những bí quyết để đảm bảo an toàn khi ở trọ một mình, chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Thị Minh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói: "Nỗi lo lớn nhất của người ở trọ một mình là sợ sự cố đau ốm bất chợt, nhất là vào những thời điểm khuya khoắt. Vì lẽ đó, hãy lưu số điện thoại của những người thân thiết ở đầu danh bạ. Trong khoảnh khắc cần giúp đỡ, hãy nhanh chóng gọi họ. Thêm nữa, có thể tự chuẩn bị những lọ thuốc cá nhân để chống đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, oxy già, bông y tế... trong phòng trọ. Qua đó, có thể "tự mình giúp mình" trong trường hợp gặp những vấn đề về sức khỏe".
Bên cạnh đó, ở trọ một mình cũng phải tuyệt đối cẩn thận với những người lạ và thận trọng trong việc bảo vệ tài sản cá nhân. "Đừng quên đóng cửa khi ra khỏi phòng hoặc vào phòng. Chỉ mở cửa khi biết rằng người gõ cửa là người quen, hàng xóm bên cạnh, chủ phòng trọ. Luôn cẩn thận trong việc giữ gìn tài sản có giá trị như máy tính xách tay, xe máy. Mỗi khi đi học, đi làm về, hoặc dắt vào phòng, hoặc khóa cẩn thận để tránh mất mát tài sản", chị Tuyết cho hay.
Ngoài ra, chị Tuyết cũng khuyên người ở trọ một mình cần lưu tâm đến hệ thống đường dây điện, đề phòng tuyệt đối đến việc bị rò rỉ điện, bị điện giật. Chị Tuyết chia sẻ: "Khi thuê ở nhà trọ nhiều tầng hãy quan sát và tìm cho mình một lối thoát hiểm để khi có sự cố xảy ra, không rơi vào tình cảnh lúng túng. Ở trọ một mình, cũng nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ và khoa học. Và tuyệt đối nói không với việc chia sẻ địa chỉ nơi ở trọ cho những người lạ. Ngược lại, hãy chia sẻ cụ thể cho người quen, bố mẹ, bạn thân".
Bình luận (0)