Cách để teamwork không còn là 'tao - work'

09/05/2023 17:29 GMT+7

Teamwork (làm việc nhóm) và “tao - work" (cách nói ngụ ý một mình làm nhiều công việc của nhóm) là 2 cụm từ không còn quá xa lạ với nhiều người trẻ ngày nay. Vì sao lại có “tao - work" và làm gì để teamwork không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người?

Khi một mình phải làm công việc của cả nhóm

Trong môi trường học tập và làm việc, teamwork là sự phối hợp giữa 2 hay nhiều người để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nhưng trong quá trình làm việc cùng nhau, có nhiều nguyên nhân khiến teamwork trở thành “tao - work".

Là một người thường xuyên đảm nhận vai trò trưởng nhóm và rơi vào hoàn cảnh “tao - work", Lê Quý Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Vào năm nhất và năm 2 mình có học một số môn yêu cầu phải làm việc nhóm, mỗi nhóm trung bình có 5 - 6 người. Khoảng thời gian đó mình thường cho các thành viên trong nhóm tự chọn nội dung theo sở trường để làm và giao thời hạn nộp bài mà không hề đưa ra thêm yêu cầu hay quy định gì cả. Tuy nhiên, có một số bạn đôi khi là cả nhóm làm việc rất cẩu thả, chỉ tìm kiếm nội dung trên mạng rồi gửi cho mình mà không hề chọn lọc kỹ càng. Sự thiếu trách nhiệm đó dẫn đến việc mình phải tự làm lại nội dung để nộp bài cho đúng hạn”.

Những lần phải hoàn thành nhiều nội dung cùng một lúc khiến Quý Bình cực kỳ căng thẳng, mệt mỏi và hiệu quả công việc không cao. “Mình dần mất lòng tin và không muốn làm chung nhóm với những bạn đó nữa, thậm chí ở nhóm mới thì việc làm nhóm trưởng với mình cũng trở thành một quyết định khó khăn hơn lúc trước rất nhiều”, Bình nói.

Cách để teamwork không còn là ‘tao’ - work - Ảnh 1.

Trong môi trường đại học, việc làm việc nhóm rất phổ biến

TUYẾT CẨM

Cũng từng là nhóm trưởng của một nhóm 5 - 6 người, Hồ Văn Phương, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: “Trong nhóm, các bạn phải hoàn thành phần công việc được giao, nhưng lại làm không đầy đủ và cũng có người không chịu làm, đến hạn nộp bài mới hỏi mình cách làm. Khi làm nhiều việc cùng lúc, mình cảm thấy rất áp lực, đặc biệt là bài tập nhóm của tụi mình luôn phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Những lúc như vậy, mình chỉ cố gắng làm thật nhanh phần bài tập được giao của nhóm để kịp nộp cho giảng viên”.

Còn với Lê Thị Thảo Nhân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nguyên nhân khiến cô nàng một mình đảm nhận phần lớn công việc của nhóm là do nhóm trưởng phân công nhiệm vụ không hợp lý, ảnh hưởng đến tiến độ công việc nhóm cũng như công việc cá nhân. “Một số bạn lấy lý do bận đi làm, nhà có việc này việc kia… nên nhóm trưởng cũng giao thêm phần việc của bạn qua cho mình”, Thảo Nhân kể.

Cần tôn trọng tập thể và tôn trọng lẫn nhau

Chia sẻ về vấn đề teamwork bị biến thành “tao - work", thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trong môi trường đại học, phương pháp làm việc nhóm rất phổ biến. Giảng viên sẽ giao bài tập cho từng nhóm, bên cạnh hoàn thành nội dung chuyên môn, làm việc nhóm còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên một số nhóm làm việc chưa hiệu quả, xuất hiện trường hợp “tao - work" thay cho teamwork. Nguyên nhân của vấn đề này thường xuất phát từ nhiều lý do: sinh viên chưa thật sự trách nhiệm với công việc của bản thân, nhóm trưởng phân công công việc chưa hợp lý, nhiều cá nhân hiểu sai vai trò của chính mình trong nhóm dẫn đến mâu thuẫn…

Để tránh trường hợp này, thạc sĩ A Say khuyên: "Trước hết giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách thức làm việc nhóm, giúp các bạn hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cá nhân, đồng thời hướng dẫn rõ cách xử lý tình huống nếu xảy ra mâu thuẫn. Giảng viên phải thường xuyên theo dõi quá trình làm việc nhóm của sinh viên, hỗ trợ hướng dẫn và điều chỉnh khi cần thiết. Cũng cần tạo lập bảng đánh giá cá nhân theo nhóm, chia từng tiêu chí cụ thể như thời gian tham gia họp nhóm, chất lượng ý kiến đóng góp, chất lượng nội dung sản phẩm… để sinh viên thực hiện sau mỗi nhiệm vụ".

Theo thạc sĩ A Say, có như vậy, sinh viên mới hình dung được công việc và ý thức được hành động của mình trong hoạt động tập thể sẽ được ghi nhận và đánh giá minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt, nếu xảy ra mâu thuẫn, giảng viên cần lắng nghe khách quan, không nên dựa vào thông tin một phía để quyết định.

Cũng theo thạc sĩ A Say, để teamwork không còn là “tao - work", các thành viên nhóm phải cùng soạn ra một số nguyên tắc. Ví dụ, nếu giao nhiệm vụ, nhận nhưng không hoàn thành thì điểm đánh giá sẽ là 0%. Nếu hoàn thành nhưng không chất lượng, điểm đánh giá là 50%... Hoặc đi trễ 1 lần, 2 lần, 3 lần thì điểm đánh giá khác nhau như thế nào… Có bản đánh giá này, mọi việc sẽ đi vào nề nếp, theo quy tắc và hạn chế tối đa mâu thuẫn.

Cách để teamwork không còn là ‘tao’ - work - Ảnh 2.

Hãy chọn những thành viên thật sự chất lượng, có trách nhiệm và tinh thần teamwork để làm việc chung

TUYẾT CẨM

“Các bạn trẻ cần hiểu rằng, mọi việc đều cần đoàn kết để tạo thành sức mạnh và sức mạnh tập thể sẽ giúp chúng ta tiến xa. Nếu bạn là thành viên, hãy tích cực tham gia góp ý xây dựng nhóm, nếu bạn là nhóm trưởng hãy phân công nhiệm vụ một cách khách quan, rõ ràng, lượng hóa cụ thể, đồng thời có hướng dẫn và thời hạn nhất định cho thành viên. Dù ở vị trí nào thì các bạn cũng luôn nhớ mình phải tôn trọng tập thể và tôn trọng lẫn nhau”, thạc sĩ A Say đề xuất.

Trước tình trạng nhiều sinh viên cảm thấy bức xúc khi phải “tao - work" nhưng chỉ ấm ức trong lòng, và khi giảng viên yêu cầu đánh giá thành viên thì phần lớn thành viên nào cũng có điểm đánh giá cao, thạc sĩ A Say cũng nói thêm: “Các bạn ngại, cả nể, thông cảm cho nhau nên nhân nhượng. Điều đó sẽ khiến bạn khổ sở dài dài, do đó hãy mạnh dạn đánh giá lẫn nhau một cách khách quan, trung thực. Và nếu được cho phép chọn nhóm, các bạn hãy chọn cho mình những thành viên thật sự chất lượng, có trách nhiệm và tinh thần teamwork để làm việc chung”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.