Anh Đặng Trọng Thành (nhân viên một cửa hàng điện máy gia dụng ở TP.HCM) chia sẻ với Thanh Niên những cách tiết kiệm điện khi sử dụng bếp từ.
Sử dụng nồi, chảo phù hợp
Nồi nhôm, nồi đất, nồi thuỷ tinh là những loại nồi không sử dụng được trên bếp từ do chất liệu không có từ tính. Vì vậy, người dùng nên chú ý mua những loại nồi có chất liệu phù hợp với bếp từ như: inox, thép,… Việc sử dụng những loại nồi phù hợp, có chất liệu dẫn nhiệt tốt sẽ tiết kiệm điện và làm đồ ăn chín nhanh hơn.
Người dùng cũng cần lưu ý đặt nồi đúng vị trí khi dùng bếp tránh làm nguồn nhiệt bị phân tán ra ngoài. Khi đặt đúng, mọi người không cần bật nhiệt độ quá cao.
Sử dụng đúng chức năng trên bảng điều khiển
Anh Thành cho biết, khi dùng bếp từ mọi người nên chú ý bật chế độ nấu đúng cách. Khi nấu, người dùng cần xem kỹ từng biểu tượng chỉ dẫn kèm chú thích trên bếp để sử dụng đúng từng chức năng. Việc có thói quen chỉ dùng đúng một chức năng khi nấu sẽ tốn nhiều điện năng hơn so với sử dụng đúng chức năng được nhà sản xuất lập trình.
Không nên nấu ở nhiệt độ cao quá lâu
Khi bật nhiệt độ cao của bếp từ, lượng điện năng tiêu thụ sẽ cao hơn so với dùng ở nhiệt độ thấp. Hơn nữa, ở nhiệt độ cao sức nóng sẽ tỏa ra bên ngoài nhiều làm hao phí năng lượng. Việc bật chế độ nhiệt độ cao nhất trước khi cho thức ăn vào cũng dễ khiến xoong, nồi bị cháy.
Vì vậy, người dùng nên sử dụng mức nhiệt trung bình để thức ăn chín từ từ, khi sôi sẽ giảm nhiệt độ xuống mức thấp nhất.
Tắt bếp trước vài phút
Khi thức ăn vừa chín, người nội trợ nên tắt bếp để tận dụng hết lượng nhiệt này, giúp tiết kiệm điện cho gia đình.
Vệ sinh thường xuyên
Bếp từ cần được vệ sinh thường xuyên để loại bỏ dầu mỡ bám trên mặt kính của bếp, bảo vệ bề mặt kính bền đẹp và để bếp từ đạt hiệu quả sử dụng cao nhất.
Bình luận (0)