Triệu chứng đau khớp khi trời lạnh như thế nào?
Thạc sĩ - bác sĩ Quách Khang Hy, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi thời tiết lạnh, nhiều người có triệu chứng đau nhức xương khớp, bao gồm sưng đỏ, cứng khớp vào buổi sáng hoặc về đêm, khó di chuyển.
Có 4 vị trí khớp thường bị đau nhức nhiều nhất khi trời lạnh với các triệu chứng cụ thể sau:
Khớp gối: Đầu gối sưng tấy, đau nhức, hạn chế vận động, có thể phát ra âm thanh lục cục hoặc lạo xạo khi di chuyển.
Khớp háng: Cảm giác đau nhức, nhói ở vùng xương khớp háng khi di chuyển, xoay người hay đứng lên ngồi xuống.
Khớp bàn chân: Đau, rát trong lòng bàn chân, gần gót chân, cứng khớp và đi lại khó khăn.
Đau cột sống thắt lưng: Đau nhức phần lưng dưới, tê buốt, khó chịu khi về đêm, có thể lan xuống vùng hông và chậu, làm hai chân tê bì, mất cảm giác.
Tại sao trời lạnh lại gây đau xương khớp?
Thời tiết lạnh làm các gân cơ co rút, dịch khớp đông hơn bình thường. Đồng thời, cơ thể ít vận động khiến máu lưu thông kém, làm giảm máu nuôi khớp, gây tổn thương cho sụn và màng hoạt dịch khớp.
"Ngoài ra, áp lực không khí trong thời tiết lạnh cũng làm rối loạn tuần hoàn, dịch khớp, vận mạch và độ nhớt máu, gây đau nhức xương khớp và khó di chuyển. Đặc biệt, người già và người có bệnh lý khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp cũng dễ bị đau xương khớp khi trời lạnh", bác sĩ Khang Hy phân tích.
Ai dễ bị đau khớp khi trời lạnh?
Theo bác sĩ Khang Hy, người cao tuổi, người trung niên và người có tiền sử bệnh xương khớp thường gặp triệu chứng đau khớp khi trời lạnh. Họ có cảm giác đau đớn, khó chịu và hạn chế vận động. Nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như dính khớp, biến dạng khớp hoặc mất chức năng vận động.
Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh, cần tìm cách khắc phục để tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
Cách điều trị đau nhức xương khớp khi trời lạnh
Để giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh, có thể áp dụng các cách sau:
Thay đổi lối sống: Tăng cường vận động, ăn uống lành mạnh và duy trì cân bằng nhiệt độ trong nhà.
Áp dụng phương pháp nóng lạnh: Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng đau để giảm đau và giãn cơ.
Tham khảo ý kiến chuyên gia: Nếu triệu chứng không giảm sau khi tự điều trị, cần tìm tư vấn từ bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Việc sử dụng thuốc sẽ tuân theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau và viêm. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà không có chỉ định của bác sĩ.
"Để tránh bị nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến xương khớp, ta có thể áp dụng liệu pháp nhiệt bằng cách giữ ấm cơ thể và tắm nước nóng. Đồng thời, chườm nóng vào vị trí khớp đau nhức cũng có thể giúp giảm đau", bác sĩ Khang Hy chia sẻ.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tránh thừa cân, béo phì cũng là cách để giảm áp lực cho các khớp. Bổ sung canxi và vitamin D theo chỉ định của bác sĩ cũng rất quan trọng.
Tập luyện thể dục thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe, yoga,... cũng giúp cải thiện chức năng vận động của các khớp và giảm đau.
Uống đủ nước cũng rất quan trọng để tránh tình trạng thiếu nước trong cơ thể, gây ra các vấn đề về máu và ảnh hưởng đến hệ khớp.
Vận động nhẹ nhàng giúp xương khớp chắc khỏe
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết bên cạnh dinh dưỡng hợp lý, các hoạt động vận động nhẹ nhàng sẽ giúp tăng cường sức khỏe xương khớp. Nhiều người lo ngại vận động sẽ gây đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng.
Có thể luyện tập hợp lý để cải thiện chức năng của khớp bằng cách mát xa, dùng phương pháp trị liệu. Mỗi ngày, nên dành một ít thời gian để vận động nhẹ nhàng phù hợp với sở thích bản thân, có thể tập yoga hoặc đi bộ, dưỡng sinh, đạp xe... Tập luyện nhẹ nhàng giúp các khớp đỡ tê cứng và dễ chịu, giảm đau, khả năng vận động được cải thiện.
Bình luận (0)