Cách giúp smartphone an toàn trước sự tấn công của 'kẻ xấu'

Thành Luân
Thành Luân
21/03/2018 10:43 GMT+7

Phần mềm độc hại trên điện thoại di động đang ngày càng phát triển tinh vi hơn, vậy bạn cần phải làm gì để tự bảo vệ được chiếc smartphone của mình, vốn có chứa rất nhiều dữ liệu quan trọng bên trong.

Thiết lập khóa điện thoại
Đây được xem như là nền tảng để bảo vệ thiết bị, giúp ngăn những người khác truy cập vào dữ liệu và ứng dụng trên nó. Smartphone hiện đại cung cấp nhiều lựa chọn khóa máy khá tiện lợi như dấu vân tay và nhận diện khuôn mặt nên bạn có thể dễ thực hiện việc này.
Thiết lập khóa màn hình là bước đầu để tránh dữ liệu bị rò rỉ
Khi thiết lập khóa, bạn có thể chỉ định số phút trước khi điện thoại tự động khóa, và theo khuyến cáo nên ở mức thấp. Điện thoại cũng nên thiết lập màn hình khóa sau khi khởi động lại và yêu cầu mã PIN mà không phải là dấu vân tay hoặc tương tự để tăng tính an toàn.
Cập nhật hệ điều hành
Người dùng Android tiếp tục phải đối mặt với sự phân mảnh trong hệ điều hành của họ, trong đó Nougat (Android 7) chỉ chiếm 28,5% thị phần, còn Oreo (Andrid 8) mới nhất chỉ 1,1% và KitKat (Android 4.4) chiếm 12% dù đã ra mắt cách nay 5 năm.
Lý do khiến sự phân mảnh của Android chính là việc người dùng bị ảnh hưởng bởi nhà sản xuất không phát hành bản cập nhật mới nhất cho thiết bị. Vì vậy Google đang muốn cải thiện nó bằng Project Treble.
Còn với iOS tốt hơn một chút khi phiên bản 11.2 mới nhất chiếm 70% thị phần, trong khi 10,1% thuộc về phiên bản 10.3.
Vì vậy, tốt nhất nếu điện thoại không còn hỗ trợ cập nhật thì bạn nên mua một sản phẩm mới, với ưu tiên nhận cập nhật về lâu dài, mà tốt nhất là những điện thoại từ thương hiệu phổ biến, hay đơn giản nhất là mẫu smartphone Pixel của Google.
Tránh các thương hiệu không an toàn
Vấn đề bảo mật điện thoại đã đạt đến mức độ cao khi các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo rằng điện thoại của hai nhà sản xuất Trung Quốc là Huawei và ZTE không được xem là an toàn khi chứa phần mềm gián điệp. Và năm ngoái, điện thoại giá rẻ từ BLU cũng đã bị gỡ bỏ khỏi Amazon do những lo ngại về tính riêng tư. Vì vậy hãy chọn những thương hiệu chính thống có uy tín về bảo mật nếu quan tâm đến điều này.
Nên sử dụng các điện thoại đến từ các thương hiệu an toàn, uy tín
Cài phần mềm chống virus
Mã độc tống tiền (ransomware) đang là mối quan tâm không chỉ riêng máy tính mà cả thiết bị di động. Chợ ứng dụng Google Play tiếp tục là mồi ngon của phần mềm độc hại, bao gồm cả những ứng dụng giả mạo. Vì vậy bạn phải cảnh giác chỉ tải ứng dụng từ các nhà cung cấp chính, tránh nguồn không được xác minh, và nên quét virus cũng như phần mềm độc hại định kỳ.
Cài phần mềm chống virus sẽ giúp điện thoại bạn an toàn hơn trước các mã độc
Trong khi hệ điều hành Windows dành cho máy tính đi kèm Windows Defender để bảo vệ chống lại phần mềm độc hại thì các nền tảng di động vẫn chưa có điều này, do đó tốt nhất là tải xuống và cài đặt ứng dụng chống phần mềm độc hại từ các nhà cung cấp có uy tín thông qua chợ ứng dụng tương ứng.
Không jailbreak điện thoại
Jailbreak (bẻ khóa) là điều mà nhiều người dùng iPhone đang lựa chọn nhằm tận dụng tối đa điện thoại, giúp giải phóng họ khỏi những hạn chế trong các ứng dụng và tiện ích mà họ cài đặt. Người dùng Android có thể làm điều tương tự nhưng thuật ngữ ở đây được gọi là root thay vì jailbreak.
Tuy nhiên, khi tải ứng dụng trái phép có thể chứa phần mềm độc hại. Đó là lý do phần mềm độc hại KeyRaider đã nhắm mục tiêu tới iPhone đã bị jailbreak và dẫn đến 225.000 tài khoản của Apple, bao gồm mật khẩu, được phát hiện trên máy chủ hệ thống này vào năm 2015. Tương tự cuộc tấn công bởi phần mềm độc hại CopyCat gần đây hơn ảnh hưởng đến 14 triệu thiết bị Android.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.