Cách học mới của sinh viên Kiến trúc

16/04/2008 23:52 GMT+7

Gần đây, trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã có những điều chỉnh về chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.

Với SV ngành Kiến trúc, chương trình học nặng là do phải tập trung lượng thời gian rất lớn cho các đồ án. Suốt 5 năm học, có tới 1/3 trong số 347 đơn vị học trình là các đồ án. Bước vào năm nhất, SV đã bắt tay vào làm đồ án và liên tục trong suốt 10 học kỳ. Số đơn vị học trình thấp nhất của môn đồ án trong 1 học kỳ là 8, nhiều có thể lên tới hơn 20 đơn vị học trình.

Để giảm tải sức nặng cho việc học của SV cũng như tạo điều kiện cho SV đi sâu vào nghiên cứu, trường đã có những điều chỉnh về cách thức làm đồ án.

Trước kia, mỗi học kỳ SV có thể phải thực hiện từ 2 đến 4 đồ án. 5 tuần cho một đồ án, SV vừa phân tích đề tài, đọc tài liệu, khảo sát thực tế, tìm ý, rồi thiết kế và trình bày đồ án. Trong khi đó, thực tế chỉ có 4 tuần để nghiên cứu, tuần cuối cùng dành để lên đồ án tập trung. Ngoài ra, SV vẫn phải tập trung thời gian lên lớp, học bài và ôn thi các môn học bình thường khác. Ví dụ như ở học kỳ thứ hai, ngoài 4 môn đồ án còn có 8 môn lý thuyết và 1 môn thực hành, với tổng số đơn vị học trình là 41. Việc học với nhiều SV chỉ là "trả nợ".

Nhưng bắt đầu từ học kỳ 2 của năm học này, các SV khoa Kiến trúc và khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn từ năm 2 trở lên đều chỉ làm 1 đồ án/học kỳ. SV được bắt tay vào làm đồ án ngay khi bước vào học kỳ, và dành trọn vẹn học kỳ tập trung cho đồ án đó. Cách thức thực hiện đồ án cũng thay đổi, được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn đồ án chuyên đề và giai đoạn lên đồ án tập trung. Khoảng 5 tuần đầu, SV làm việc theo từng nhóm để tìm hiểu và phân tích đề tài, nghiên cứu tài liệu, xác định thể loại công trình... Hoàn tất giai đoạn này, SV tiến hành bảo vệ đề tài của mình trước hội đồng để lấy điểm cho học kỳ. Sau đó, SV đi vào thiết kế và lên bài tập trung, và đồ án tiếp tục được đánh giá để lấy điểm. Nhưng từ năm 3 trở lên, SV được phép vẽ trên máy tính thay vì vẽ tay tại phòng họa thất.

Theo Chí Kiên - SV năm 2 khoa Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thì, "việc đổi mới này tạo được sự hứng khởi của nhiều SV. Giảm số lượng đồ án nhưng tăng thời gian tập trung cho mỗi đồ án, cũng đồng nghĩa với tăng tính chuyên sâu và giá trị thực tiễn trong nghiên cứu từng đồ án, chứ không dàn trải như trước. Nhất là tạo điều kiện cho SV có điều kiện để khảo sát thực tế và tìm ý sáng tạo trong các công trình của mình".

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.