Mình còn trẻ nên mình cứ thử
Sau 7 năm gắn bó với công việc kế toán, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (31 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận thấy bản thân muốn thử sức với một công việc mới thú vị và sáng tạo hơn.
Tình cờ trong một lần chuẩn bị quần áo cho chồng đi làm, chị Thắm phát hiện chiếc quần jeans cũ đã lâu không còn dùng đến. Với niềm yêu thích sản phẩm handmade (đồ thủ công), chị nảy sinh ý tưởng lấy chiếc quần jeans cũ đó cắt may thành chiếc túi xách đơn giản. Sau khi hoàn thành, chị Thắm chia sẻ hình ảnh chiếc túi lên các trang mạng và có người nhắn tin hỏi mua ngay khi bài viết vừa được đăng.
"Mình khá bất ngờ vì sản phẩm được mọi người hưởng ứng tích cực. Lúc đấy mình chợt nghĩ tại sao mình không định hướng bản thân theo công việc đó luôn, mình còn trẻ nên mình cứ thử. Và thế là mình tạm dừng công việc kế toán để theo con đường tái chế", chị Thắm kể.
Quyết định nghỉ việc của chị Thắm không gặp phải sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên, chị cũng nhận được nhiều lời khuyên khi từ bỏ nghề nghiệp ổn định để bước vào công việc mà chị hoàn toàn không có kinh nghiệm gì.
Tay ngang vào nghề, mọi thứ đối với chị Thắm đều mới mẻ và có phần khó khăn. Chị tự mày mò học vẽ, may, thêu… trong một thời gian dài, rút kinh nghiệm sau những lần sai và có cho mình những kỹ thuật riêng. Sau hơn 2 năm gắn bó với nghề, cô gái 9x đã cho ra đời hơn 800 sản phẩm, từ túi xách đến nón, ví, túi đựng mỹ phẩm… với đủ kích cỡ và kiểu dáng làm từ vải jean cũ. "Qua những sản phẩm này, mình mong mọi người biết cách tái chế những món đồ không dùng đến nữa để từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường", chị Thắm tâm sự.
Theo chị Thắm việc thêu, vẽ lên túi xách handmade sẽ tạo ra sự mới mẻ và độc nhất. "Vải jean rất bền, khi mọi người đưa đến những món đồ cũ, dù có thể bị rách một vài chỗ nhưng chất liệu này vẫn còn sử dụng được một thời gian dài. Vải jean đã qua sử dụng có những vị trí, màu sắc và cả những điểm nhấn rất khác biệt. Đó là những cái lợi khi mình sử dụng đồ jean cũ trong tái chế", chị Thắm tiết lộ.
Đặt trọn tâm huyết vào từng sản phẩm
Quá trình làm túi xách trải qua nhiều công đoạn. Về khâu chuẩn bị chất liệu, chị Thắm tự mình đi thu gom hoặc nhận đồ jean cũ mọi người gửi đến nhà. Sau đó chị đem giặt giũ sạch sẽ, phân loại và lưu trữ. Để tạo ra những chiếc túi xách đẹp mắt, đúng form (hình dáng), chị Thắm phải xem xét lựa chọn phần vải phù hợp, tiến hành cắt rã, chắp ghép, xử lý kỹ thuật và may lại thành sản phẩm hoàn thiện. Chị tận dụng phần túi, đai, mác… của đồ jean cũ để tạo thành các chi tiết trên túi xách. Với những vải vụn thừa, chị cũng tận dụng để cắt may, ghép thành những chi tiết đính kèm vào túi.
"Mỗi khi bắt đầu làm sản phẩm, mình luôn đặt mình vào vị trí của một người thường xuyên sử dụng và rồi mình đặt trọn tâm huyết vào từng sản phẩm", chị Thắm bày tỏ. Trung bình mỗi ngày chị có thể hoàn thành 3 - 5 chiếc túi xách có hình dáng đơn giản, còn với những mẫu túi khó, yêu cầu kỹ thuật nhiều, chị mất đến 2 ngày để hoàn thành. Tùy theo kích cỡ, kỹ thuật trên từng sản phẩm mà có giá bán dao động từ 300.000 đồng - 900.000 đồng/chiếc.
Chia sẻ về kỷ niệm trong nghề tái chế, chị Thắm kể: "Một số khách có những món đồ rất đặc biệt với họ. Trước đó là quần áo họ không mặc được nữa vì bị chật hay gặp vấn đề gì đó, nhưng khi chuyển thành một hình thái khác, họ lại tiếp tục sử dụng vật kỷ niệm đó và cũng là cái duy nhất chỉ một mình họ có".
Từng mua những chiếc túi xách được chị Thắm tái chế, Vũ Bình Giang (26 tuổi, ngụ tại P.Lãm Hà, Q.Kiến An, TP.Hải Phòng) nhận xét: "Mình khá hài lòng về cả 3 chiếc túi mình mua, nó rất đẹp, đứng form, khóa kéo trơn tru và sáng loáng. Đây là sản phẩm khá ý nghĩa vì nó là đồ tái chế nên giúp kéo dài vòng đời của những sản phẩm cũ. Ngoài ra những đường nét thêu, vẽ mềm mại trên sản phẩm đều mang tính nghệ thuật cao, có ý nghĩa riêng với mình".
Nhìn lại chặng đường vừa qua, chị Thắm chưa bao giờ tiếc nuối với quyết định nghỉ việc văn phòng để bước chân theo con đường tái chế. "Công việc tái chế vải jean cũ đem lại cho mình nhiều thứ, nó đem lại cho mình những mối quan hệ về cộng đồng làm tái chế, cũng là cách mà mình học hỏi những kinh nghiệm về việc đưa sản phẩm đến khách hàng, tạo ra quy trình làm việc ra sao…". Trong thời gian tới, chị Thắm ấp ủ dự định mở các lớp hướng dẫn để đưa sản phẩm tái chế trở nên gần gũi hơn với mọi người.
Bình luận (0)