Đầu tháng 2, Công ty NCR, “người khổng lồ” của ngành thiết bị giao dịch thanh toán thế giới, đã giới thiệu SelfServ 80 là dòng VTM (Video Teller Machine) tích hợp màn hình rộng 19 inch để khách hàng trực tiếp trao đổi với nhân viên ngân hàng (NH) bằng cách hội thoại có hình, giúp khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ mà lâu nay chỉ có thể thực hiện ở quầy giao dịch.
Bùng nổ công nghệ
Năm 2016, mô hình trên đã được NH POSB (Singapore) triển khai cho phép khách hàng mở tài khoản, thay mới thẻ lẫn thiết bị bảo mật trực tuyến, thay đổi lại thỏa thuận gửi tiền tiết kiệm... Cùng năm 2016, Tập đoàn tài chính Bank of American cũng đã đưa VTM vào sử dụng rộng rãi, cho phép khách hàng tiến hành vay tiền để mua xe hơi, mở tài khoản, thế chấp tài sản để vay nợ ngay trên máy. Tại VN, NH TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ra mắt mô hình giao dịch Ngân hàng tự động LiveBank hoạt động 24/7 để khách hàng nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản ebank, khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn... Chưa dừng lại ở đó, trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ tác động mạnh vào lĩnh vực NH.
Visa vừa tuyên bố trong năm 2017 sẽ phối hợp với một số NH trong nước triển khai dịch vụ thanh toán mVisa - một giải pháp thanh toán qua điện thoại di động. Người tiêu dùng sẽ cài đặt một phần mềm trong thiết bị điện thoại di động và chỉ cần chụp mã vạch tại các điểm bán hàng để thanh toán ngay trên thiết bị điện thoại di động mà không cần dùng đến thẻ ATM. Điều này không đòi hỏi NH đầu tư lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ và phương thức thanh toán diễn ra nhanh, các điểm bán hàng cũng không cần nhiều nhân viên phục vụ, tính tiền.
Triển vọng fintech
Theo kết quả khảo sát của Công ty kiểm toán PwC, ngành dịch vụ NH và thanh toán sẽ chịu nhiều áp lực nhất từ các công ty thuộc ngành fintech (công nghệ cho mảng tài chính). Đến giai đoạn từ năm 2020 - 2025, NH truyền thống dựa vào kinh doanh hoạt động huy động vốn và cho vay có thể dần biến mất và quy mô của khu vực NH theo đó sẽ thu hẹp đáng kể trước sự tấn công của các công ty này.
TS Cấn Văn Lực (chuyên gia tài chính) cho rằng sự phát triển công nghệ kéo theo xu hướng phát triển NH số (khách hàng sử dụng các dịch vụ qua internet, mobile banking, mạng xã hội...) và VN không nằm ngoài xu hướng đó. Nói đơn giản, trong tương lai gần, khách hàng có thể không cần đến NH để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, gửi tiết kiệm hay thực hiện các khoản đầu tư đơn giản.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), nhận xét mô hình NH số sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ thống của NH và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại. Những sản phẩm dịch vụ tài chính mới như M-POS, internet banking, mobile banking, công nghệ thẻ chip, ví điện tử... ngày càng phát triển mạnh, tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ NH hiện đại và tiết kiệm chi phí giao dịch. Các NH có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng và quản lý cơ sở dữ liệu.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, khi hạ tầng viễn thông phát triển trong tương lai, nhân viên NH sẽ chăm sóc khách hàng từ xa qua video call. Đồng thời, công nghệ thực tế ảo và hình ảnh ba chiều sẽ có thể thay thế hoàn toàn cách giao tiếp của con người. Lúc đó lao động ngành NH sẽ có sự thay đổi giảm bớt về số lượng con người. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ NH và công nghệ thông tin sẽ gia tăng.
Cũng theo ông Thành, trong vòng 10 năm tới, phần lớn doanh thu của NH bán lẻ là nhờ vào web, điện thoại di động hay ứng dụng trên máy tính bảng. Do đó, nếu các NH trong nước không nắm bắt và thay đổi theo xu thế, cải thiện khả năng ứng dụng trên điện thoại di động của các tiện ích dịch vụ, phát triển mạnh các hỗ trợ dịch vụ qua internet thì việc khách hàng tiếp tục sử dụng và gắn bó lâu dài với NH là rất khó khăn.
Bình luận (0)