Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Đặc biệt là từ khoảng những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Đó là xóm Quyết Tiến, một khu dân cư chủ yếu là người Tày với hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê và được xem như một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn. Theo tài liệu từ một cuộc hội thảo về phố cổ Đồng Văn mới đây thì tại khu vực này còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày và được xây dựng từ khoảng năm 1860.
Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Từ tháng 4.2006, UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 "đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An. Tuy nhiên, mô hình này có vẻ như chưa đủ sức thu hút du khách. Quan trọng hơn, người dân địa phương chưa được hưởng lợi từ hoạt động này và vì vậy họ không mấy hào hứng.
Tuy nhiên, hiện tại vấn đề không phải là khai thác như thế nào mà phải bảo tồn phố cổ Đồng Văn ra sao. Theo quan sát của chúng tôi, tuy vẫn còn nguyên trạng, nhưng hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đều đang ở trong tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng. Tiếp xúc với các hộ dân đang sống ở phố cổ Đồng Văn, đồng bào nói chung đang rất muốn có sự hỗ trợ về kinh phí để tôn tạo các ngôi nhà của họ, một số người thậm chí còn cho rằng bảo tồn khu phố của họ là trách nhiệm của Nhà nước.
|
Cụ thể, việc dãn dân ra khỏi khu phố cổ chỉ nên áp dụng với những hộ quá đông người, đồng thời cần phải duy trì một cuộc sống bình thường của đồng bào để bảo tồn một không gian văn hóa của nhiều dân tộc đang sống ở Đồng Văn. Nét văn hóa phi vật thể này có khi còn hấp dẫn du khách hơn những ngôi nhà cổ dù được gìn giữ tốt nhưng lại không gắn với sự sống, với sinh hoạt của con người.
Với việc tu tạo các ngôi nhà đang xuống cấp, điều quan trọng không phải là Nhà nước cấp bao nhiêu tiền mà phải làm sao cho người dân có thể tạo ra thu nhập từ giá trị vô hình của khu phố cổ mà họ đang sống. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ ban đầu cho một số công trình trọng điểm, chính quyền địa phương cần tổ chức và hướng dẫn cho đồng bào cách khai thác các lợi thế về du lịch của mình. Khi những giá trị văn hóa biến thành lợi ích vật chất, người dân sẽ tự mình gìn giữ. Lúc đó, việc bảo tồn sẽ trở thành tự giác, đây cũng chính là cách mà tỉnh Quảng Nam đã làm thành công với phố cổ Hội An.
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)