Có những dấu hiệu cảnh báo cho thấy pin của thiết bị sạc sắp có nguy cơ phát nổ, cho dù là smartphone cho đến xe điện. Chúng ta hãy tìm hiểu một số dấu hiệu cũng như cách xử lý tình huống sau đó như thế nào để bảo đảm an toàn nhất.
Dấu hiệu cảnh báo
Khi sạc pin, dòng điện được sử dụng để thiết lập các phản ứng hóa học, vận chuyển các electron từ anode tích điện âm đi tới cathode tích điện dương. Trong một số trường hợp, phản ứng hóa học này có thể hoạt động không đúng gây ra các sự cố, tuy nhiên chúng thường có các dấu hiệu cảnh báo mà người dùng nên chú ý:
- Nhiệt: Trong điều kiện bình thường, pin sạc tạo ra nhiệt như một phần hoạt động bình thường của chúng và người dùng có thể cảm nhận được độ ấm khi chạm vào. Nhưng nếu thiết bị quá nóng để chạm vào thì đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó rất không ổn. Nếu nhận thấy thiết bị của mình nóng bất thường, nó có thể sắp phát nổ.
- Phồng: Pin lithium-ion có thể bị phồng do sự kết hợp của nhiệt và sự tích tụ khí. Bản thân việc bị phồng không nhất thiết có nghĩa pin sắp phát nổ, nhưng nếu thiết bị biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào khác ngoài việc pin phồng lên, hãy sẵn sàng tránh xa.
- Khói: Khói trắng hoặc xám là dấu hiệu cho thấy pin sắp phát nổ. Nếu thấy bất kỳ loại khói nào bốc ra từ thiết bị của mình, tốt nhất nên tìm cách chuẩn bị việc chống các đám cháy.
- Âm thanh: Khi pin chuẩn bị phát nổ, chúng thường phát ra tiếng rít hoặc tiếng sủi bọt.
Nếu nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu cảnh báo này, tốt nhất là nên nghĩ đến việc pin sẽ bắt lửa ngay lập tức và thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân cũng như mọi thứ xung quanh.
Phải làm gì nếu pin sắp phát nổ
Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ một trong những cục pin sạc trên thiết bị của mình sắp phát nổ, hãy thực hiện ngay các bước sau:
- Nếu thấy khói hoặc tia lửa: Hãy di tản ra khỏi khu vực.
- Bảo vệ đôi tay: Tuyệt đối không được cầm thiết bị bằng tay trần mà tìm thứ gì đó có thể sử dụng như một miếng kẹp gắp cho các thiết bị nhỏ hơn hoặc sử dụng găng tay, khăn tắm hoặc bất cứ thứ gì có thể để làm vật đệm giữa bản thân với "quả bom nhỏ" mà mình vừa phát hiện.
- Tắt và rút phích cắm thiết bị: Ngắt kết nối thiết bị khỏi ổ cắm và tắt nguồn nếu có thể.
- Cẩn thận di chuyển thiết bị: Không xô đẩy hoặc ném thiết bị, thay vào đó hãy di chuyển cẩn thận đến một nơi biệt lập có thể khống chế được ngọn lửa, chẳng hạn những nơi có sàn bê tông hoặc một vị trí bên ngoài như trên vỉa hè. Nếu có két sắt chống cháy hoặc két đựng tài liệu, hãy bỏ hết mọi thứ bên trong ra ngoài trước khi di chuyển thiết bị đang nguy cơ bốc cháy vào bên trong két, nhưng cần di chuyển két sắt đến một nơi càng xa khu vực sinh hoạt càng tốt.
Nếu thiết bị bắt lửa, người dùng có thể sử dụng bình chữa cháy để dập lửa hoặc phun nước từ vòi vào. Nếu đó là thiết bị lớn như xe điện, tốt nhất nên gọi cho sở cứu hỏa địa phương.
Bình luận (0)