Cách quản lý khôn ngoan là không cần chấm công?

10/10/2014 15:39 GMT+7

Quản lý nhân sự sao cho hiệu quả luôn là vấn đề trọng tâm của các công ty, tập đoàn. Bởi khi người lao động hạnh phúc với môi trường làm việc thì họ mới có khả năng sáng tạo và đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Trong khi ở các nước phát triển đã có một thay đổi mới mẻ là cho nhân viên tự quản giờ giấc làm việc của họ và không giới hạn ngày nghỉ phép thì ở Việt Nam dường như máy chấm công (vân tay hay thẻ từ) đang là loại hàng hóa bán chạy.

Nếu hơn 10 năm trước, máy chấm công chỉ được sử dụng phổ biến trong các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân thì hiện nay, loại máy này đã được rất nhiều công ty "cổ cồn trắng" (làm việc bằng tri thức) mua để kiểm soát giờ đến và giờ về của nhân viên. Máy chấm công phù hợp với các xí nghiệp công ty sử dụng nhiều công nhân, vì trong một dây chuyền sản xuất, nếu một người làm việc không đúng giờ sẽ ảnh hưởng đến công việc của bao nhiêu người khác. Còn với những công việc đòi hỏi tri thức và sự sáng tạo, máy chấm công (hay nói rộng hơn là sự siết chặt về giờ giấc của nhân viên trong đơn vị) là một công cụ kiểm soát thô thiển.

Thế mà, ngay cả một số tòa soạn báo cũng áp dụng cách kiểm soát này mới… oải. Báo chí vốn dĩ là một nghề  làm việc độc lập và đòi hỏi phóng viên và biên tập viên phải biết tự tổ chức công việc của mình, dù họ không ngồi 8 tiếng ở văn phòng mỗi ngày như các ngành nghề khác thì để hoàn thành bài báo hay việc biên tập của mình, có khi họ phải lao động ngoài giờ và những ngày nghỉ. Việc chi li tính toán phạt tiền hoặc trừ lương nhân viên văn phòng khi họ đi trễ không chỉ gây ức chế cho người lao động mà còn tạo tâm lý không hết mình trong công việc, có khi triệt tiêu cả khả năng sáng tạo của họ.

Trong một bài báo nước ngoài mới đây, ông Richard Branson - một tỷ phú người Anh, chủ tập đoàn Virgin hùng mạnh - đã tuyên bố vào đầu tháng 10 sẽ không giới hạn ngày nghỉ phép của nhân viên làm việc ở Anh và Mỹ vì ông tin rằng nếu cho nhân viên kiểm soát thời gian của họ thì công ty của ông sẽ thu lợi nhiều hơn.

Ngày nay, hệ thống nghỉ phép được đánh giá là một ý tưởng tồi, vì ở các công ty lớn, họ không đánh giá nhân viên dựa trên thời gian lao động mà dựa vào hiệu quả công việc.

Có nhiều ví dụ, chẳng hạn tập đoàn W. L. Gore (Mỹ) là một trong những công ty tiên phong khi áp dụng chính sách này từ những năm 1960 và vẫn đang phát triển với giá trị hiện tại là 3 tỉ USD, tỷ lệ biến động nhân sự thấp.

Một số công ty công nghệ Mỹ như Evernote và NetFlix là hai trường hợp điển hình. Họ nhận ra những chính sách cho phép nhân viên kiểm soát thời gian đang mang lại nhiều lợi ích cho công ty.

Người sáng lập Netflix - ông Reed Hastings - cho biết công ty của ông có một "văn hóa tự do và trách nhiệm", ông nói: "Tại Netflix, chúng tôi nghĩ rằng các nhân viên có thể tự xây dựng ý thức trách nhiệm khi họ quan tâm đến công ty. Bạn làm việc chăm chỉ thì bạn sẽ dành nhiều thời gian ngồi ở công ty? Điều đó không quan trọng nhiều với chúng tôi. Điều chúng tôi quan tâm là hiệu quả công việc. Điều này đòi hỏi sự chu đáo, tâm huyết của các nhân viên”.

Một thông tin khác cũng đáng tham khảo: Ủy ban lao động Hạ viện Nga hiện đang thảo luận đề xuất của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về việc chuyển sang làm việc tuần 4 ngày mà không giảm lương của công nhân. Thông tin được nhật báo Kommersant đăng tải ngày 7.10, dẫn lời nghị sĩ Andrey Isayev đảng nước Nga thống nhất. Theo đó, Hạ viện Nga sẽ tổ chức một cuộc hội thảo bàn tròn để thảo luận đề xuất của lãnh đạo Tổ chức lao động quốc tế (ILO). ILO cho rằng việc chỉ phải đi làm 4 ngày mỗi tuần sẽ giúp con người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, tạo ra thêm nhiều công việc và tăng năng suất cho mỗi công nhân. Ngoài ra, việc rút ngắn tuần làm việc cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Về mặt tâm lý, con người thường không muốn bị người khác kiểm soát. Cũng về mặt tâm lý, con người luôn tìm lý do và cơ hội để vượt ra khỏi tầm kiểm soát của người khác.

Thay vì quản lý theo kiểu “săm soi” giờ giấc, thái độ nhân viên, các công ty nên tập trung vào quản trị theo kết quả công việc. Quản trị bằng kết quả công việc (kết hợp với kiểm soát quá trình) thường đem lại động lực và sự động viên rất lớn cho nhân viên. Mặt khác, nó tạo nên một môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng, thoải mái về mặt tư tưởng, góp phần hình thành một văn hóa thân thiện, cởi mở.

 Ami Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo tại TP.HCM

>> Điện thoại giúp quản lý nhân viên
>> Buộc nhận tiền bồi thường bằng cách cho 'nghỉ phép dài hạn
>> Cho tiếp viên nghỉ phép không lương để giảm cân
>> Khổ nhục kế" để được nghỉ phép
>> Ở tù vẫn được nghỉ phép
>> Ngày của người lao động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.