Các dự thảo văn kiện của đại hội như Báo cáo chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 - 2015 đều xác định đến năm 2015 sẽ thực hiện chương trình giáo dục (GD) mới. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng mục tiêu này sẽ không đạt được vì cho đến nay ngành GD gần như chưa có động thái tích cực nào bắt tay vào việc.
Xác định "hình hài" của nền giáo dục phổ thông mới
Trước hết, cần xác định tư tưởng chủ đạo của cuộc cải cách GD tới là gì. Nếu không muốn dùng chữ "cải cách" mà dùng "đổi mới" hay "đổi mới sâu sắc, toàn diện, mạnh mẽ" như trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng thì vẫn cần xác định rõ tư tưởng chỉ đạo.
"Hiện tượng thanh thiếu niên hư, tội phạm hình sự trẻ gia tăng có phần do thiếu quan tâm đến GD và văn hóa" - GS Nguyễn Minh Thuyết |
Tôi không nghĩ như một số trí thức rằng nước ta chưa hề có triết lý GD của mình. Nói như vậy thì những tư tưởng như "Học đi đôi với hành", "Lý luận gắn liền với thực tiễn", "GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và xã hội"... đã chỉ đạo sự phát triển GD trong 65 năm qua là gì? Theo tôi, đó là những tư tưởng hết sức đúng đắn, sâu sắc. Nhưng trên cái nền của những tư tưởng rộng lớn ấy, phải xác định cho được mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo công cuộc đổi mới GD sắp tới.
Đáng tiếc là cho đến giờ phút này, Chiến lược phát triển GD 2011 - 2020 vẫn chưa được công bố, mặc dù dự thảo văn kiện Đại hội Đảng đã hoàn thành từ nửa năm nay. Giá nó được công bố cùng với dự thảo văn kiện đại hội để toàn dân đóng góp ý kiến thì hay biết bao nhiêu.
Để đổi mới GD phổ thông, phải xác định cơ cấu của hệ thống GD phổ thông sắp tới sẽ như thế nào? Vấn đề này hiện nay cũng chưa hề được bàn tới. Chẳng hạn tổng thời gian dành cho GD phổ thông là bao nhiêu năm; từng cấp học là bao nhiêu năm. Ở phần lớn các nước châu u bây giờ, thời gian học tiểu học là 6 năm, vậy ta có thay đổi không?
Điểm thứ hai về cơ cấu cũng cần nghiên cứu thêm là kinh nghiệm của một số nước dành 2 năm cuối ở bậc phổ thông để học sinh có nguyện vọng vào ĐH thì trau dồi thêm, gần như là mô hình dự bị đại học (ĐH). Trên thực tế, học sinh phổ thông của chúng ta hiện nay kết thúc chương trình rất sớm, sau đó chỉ tập trung ôn thi ĐH. Vậy thì phải tính toán, có chấp nhận thực tế đó không và nếu chấp nhận thì phải điều chỉnh cho phù hợp.
Phân ban cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc và điều chỉnh nhưng hiện nay chưa thấy có chủ trương gì mới; cũng chưa thấy bắt tay vào nghiên cứu. Ở nhiều nước, phân ban gắn với thị trường lao động và phân luồng lao động; còn ở ta thì phân ban gắn với các khối thi ĐH. Cách triển khai phân ban của ta làm cho những triết lý GD rất đúng đắn như "Lý luận gắn liền với thực tiễn", "GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và xã hội" không thực hiện được triệt để.
Nội dung GD phổ thông cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. Gần đây xuất hiện hàng loạt đề xuất bổ sung vào chương trình phổ thông nội dung GD phòng, chống tham nhũng, phòng, chống HIV, luật giao thông, kỹ năng sống, sân khấu, thậm chí... GD về Quốc hội... Trước các đơn đặt hàng của xã hội như vậy, ngành GD phải nghiên cứu, chọn lọc những nội dung thiết yếu và cách tích hợp hợp lý để đưa vào chương trình GD phổ thông. Chứ nếu ai nói gì là thêm cái đó theo kiểu chắp vá thì chương trình GD phổ thông sẽ thành một "cái bị" nhồi nhét tất cả rồi đến lúc lại phải lo giảm tải.
Nói tóm lại, để thực hiện mốc thời gian mà các văn kiện đại hội đề ra thì phải xác định được những việc cần làm, xây dựng lộ trình và bắt tay thực hiện ngay mới kịp. Bởi vì để có một chương trình mới thì phải mất ít nhất 1 năm xây dựng và thẩm định chương trình thí điểm; sau đó đưa vào thí điểm lại mất ít nhất 3 năm nữa; sau khi thí điểm xong lại mất 1 năm chỉnh lý chương trình, rồi mới tổ chức biên soạn sách giáo khoa được. Như vậy là phải mất ít nhất 5 năm.
Tôi sợ nhất là đến năm 2015 bảo đổi mới là đùng đùng đổi mới ngay theo kiểu chợt nghĩ, chợt làm như nhiều công việc khác, không có sự chuẩn bị gì cả.
Rất cần cải cách ĐH, dạy nghề và xây dựng xã hội học tập
Cái tôi thấy rất đáng quan tâm và cần đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần này là cải cách về chất lượng của GD ĐH và dạy nghề. Chúng ta đã thực hiện nhiều lần cải cách GD (lần thứ nhất là trong kháng chiến chống Pháp, xây dựng hệ thống GD phổ thông 9 năm; đến năm 1955 chúng ta giải phóng miền Bắc và chuyển đổi hệ thống GD phổ thông từ 9 năm thành 10 năm; sau giải phóng miền Nam, lần thứ 3 chúng ta lại cải cách GD và xây dựng hệ thống GD 12 năm). Tuy nhiên cả 3 lần cải cách GD ấy, chúng ta mới chỉ "động" đến hệ thống GD phổ thông chứ chưa hề đề cập đến GD ĐH và dạy nghề. Trong khi đó, chính GD ĐH và dạy nghề mới là khâu trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực và cũng là chỗ mà chúng ta yếu nhất.
Hệ thống GD ĐH, dạy nghề của chúng ta hiện nay rất rối. Tôi cũng chưa biết có nước nào phân biệt trung cấp nghề với trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề với cao đẳng (bình thường), mỗi loại trường do một bộ thực hiện quản lý nhà nước (trung cấp nghề và cao đẳng nghề do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, còn trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng khác thì do Bộ GD-ĐT quản lý) như nước ta không. Hai hệ thống khác nhau, tuyển sinh theo hai kiểu khác nhau, giáo trình, cách dạy khác nhau, trong khi mục đích không có gì khác nhau. Tôi cho rằng đây là cơ hội để thay đổi; không nên để tâm lý nể nang chi phối.
Chương trình và phương pháp đào tạo ĐH cũng có nhiều vấn đề phải bàn. Mô hình của châu u hiện nay là 3 + 2 + 3 (3 năm ĐH, 2 năm thạc sĩ, 3 năm tiến sĩ), chúng ta có học theo mô hình ấy không? Nội dung và phương pháp đào tạo ĐH phải thay đổi như thế nào để nhân lực đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến kịp các nền GD tiên tiến trên thế giới?
Về việc xây dựng xã hội học tập, các nghị quyết của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng và đề ra những định hướng phát triển, nhưng việc triển khai trong thực tế chưa có chuyển biến đáng kể. Số lớp "vừa học vừa làm" (tại chức) mở ra nhiều, người đi học đông, nhưng chất lượng thường không đảm bảo. Động cơ mở lớp, động cơ đi học phần lớn không đúng như mục đích xây dựng xã hội học tập. Tôi mong Đại hội Đảng sắp tới sẽ bàn nhiều hơn về vấn đề này và đề ra những giải pháp hữu hiệu.
"GD là quốc sách hàng đầu" phải thực chất chứ không chỉ là khẩu hiệu Chúng ta vẫn nói "GD là quốc sách hàng đầu" và chứng minh là đã chi cho GD đến 20% tổng ngân sách nhà nước; nhưng kinh phí ấy không phải chỉ để chi cho GD mầm non, GD phổ thông, GD ĐH và dạy nghề mà còn chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị từ cơ sở trở lên, đào tạo trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Lượng kinh phí ấy mới đảm bảo chi thường xuyên, chủ yếu là chi lương giáo viên, học bổng cho sinh viên, còn chi cho hoạt động nghiệp vụ không được nhiều. Nói thực là chỉ 1 km đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội (với kinh phí từ 600 đến 800 tỉ đồng) cũng đủ để thay toàn bộ sách giáo khoa phổ thông. Lĩnh vực đáng phải đẩy nhanh xã hội hóa nhất là kinh tế thì mình lại làm rất chậm; vào WTO rồi mà vẫn "ôm ấp" các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, lỗ đến đâu rót tiền bù đến đấy, ưu đãi bất kể nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Trong khi đó, những lĩnh vực buộc Nhà nước phải bao cấp là y tế, GD, văn hóa thì lại "thả" quá nhiều. Tôi rất đồng tình với ý kiến của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, trong ba "điểm nghẽn" (thể chế, cơ sở hạ tầng giao thông và nhân lực), nên chọn nhân lực làm khâu đột phá quan trọng nhất. Tình hình hiện nay của chúng ta giống như một gia đình mà bố mẹ chỉ lo làm kinh tế, không mấy quan tâm đến việc học hành, vui chơi của con cái nên con cái hư hỏng. Hiện tượng thanh thiếu niên hư, tội phạm hình sự trẻ gia tăng chính là do thiếu quan tâm đến GD và văn hóa. Cho nên, Nhà nước phải thực sự coi trọng GD, phải coi đó là "quốc sách hàng đầu" theo đúng nghĩa, chứ không chỉ là mong muốn. Còn trong trường hợp chưa thể coi GD là quốc sách hàng đầu thì đại hội nên cân nhắc, có thể xếp nó vào hàng thứ hai, thứ ba, miễn sao đúng hàng của nó. Chứ còn hiện nay GD-ĐT thực sự đứng hàng thứ bao nhiêu thì không nói một cách chính xác được. |
GS Nguyễn Minh Thuyết
Bình luận (0)