Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên

07/11/2006 22:57 GMT+7

Ngày 7/11, Quốc hội (QH) đã dành cả ngày tại hội trường để nghe, thảo luận báo cáo của Chính phủ về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH về vấn đề này và báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc "Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục"...

Rất nhiều ĐB đã đăng ký phát biểu, đưa ra nhiều ý kiến xác đáng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục hiện nay...

"Hai không" của ngành giáo dục chưa hẳn là bước đột phá

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" là khâu "đột phá" cần thiết để lập lại trật tự, kỷ cương, lành mạnh hóa môi trường giáo dục. Từ khi cuộc vận động "hai không" này được phát động, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: "Tinh thần đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, gian lận trong thi cử và các hoạt động khác được khơi dậy; các vụ tiêu cực được phát hiện, xử lý tương đối kịp thời, nghiêm minh, bước đầu tạo niềm tin trong nhân dân và giới giáo viên". Người đứng đầu ngành giáo dục đã nêu ra 7 vụ gian lận trong thi cử, văn bằng, chứng chỉ; 5 vụ sai phạm liên quan đến cán bộ quản lý các nhà trường và 4 vụ việc khác liên quan đến trách nhiệm giáo viên, đạo đức nhà giáo... và cho rằng, với việc đẩy mạnh chủ trương này trong thời gian tới, chắc chắn sẽ củng cố nền tảng của ngành và góp phần "chấn hưng" nền giáo dục.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tỏ ý nghi ngờ: "Liệu giải pháp hai không đó có phải là chìa khóa vạn năng cho tất cả các vấn đề của ngành giáo dục hay không?". Ông nói: "Cái gì cũng hai không: xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cải cách chương trình giáo dục... thì cũng không thực hiện được". "Không cẩn thận, đó cũng là biểu hiện của căn bệnh vị thành tích trong ngành giáo dục", vị ĐBQH của tỉnh Lạng Sơn cảnh báo. Ông cũng đề cập đến việc Hội đồng kỷ luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nhẹ vụ tiêu cực trong việc xét tuyển công chức ngay tại Bộ này vừa qua và cho rằng Bộ này còn thiếu quyết liệt.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, theo ĐB Thuyết, cần phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa nhà quản lý - trò - thầy, giải quyết các vấn đề hiện nay một cách tổng thể, chứ không phải chạy theo dư luận xử lý các vấn đề của ngành, để ngành giáo dục không là một "bức tranh vá víu". ĐB Bùi Thị Trung Hà (Hà Nam) ủng hộ ngành giáo dục thực hiện phong trào "hai không" nhưng đề nghị: "Chống nhưng cũng phải chú trọng việc xây. Phải phát động lại phong trào thi đua học tốt, dạy tốt trong ngành giáo dục".

Cải cách, cải cách hơn nữa...

Nhất trí với đánh giá của Chính phủ về đội ngũ giáo viên vừa qua đã được nâng cao chất lượng, có đóng góp lớn cho việc phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục..., nhiều ĐB cũng đồng thời nhất trí với nhận định: giáo viên phổ thông còn rất yếu kém trong phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Đội ngũ giảng dạy thực hành của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề cũng rất yếu... và đáng lo nhất, như Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: "Một bộ phận nhỏ nhà giáo nhận thức còn hạn chế, thiếu gương mẫu, vi phạm đạo đức, lối sống và chuẩn mực của người thầy. Có những người bị lôi cuốn, thỏa hiệp, tham gia vào những tiêu cực trong thi cử, chấm luận văn, luận án tốt nghiệp".

ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề ở chỗ trong ngành giáo dục "nói đã không đi đôi với làm", trong khi kêu gọi học đi đôi với hành thì thực tế, phần lớn các trường cao đẳng, đại học... vẫn dạy theo lối "thầy đọc trò chép", với những giáo trình "rất cũ kỹ, thiếu mở rộng, thiếu sáng tạo và chỉ nặng về lý thuyết". Theo ông: "Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, nhưng muốn nâng cao chất lượng đội ngũ này, phải quan tâm đến các trường đại học sư phạm".

Ông đề nghị: "Giải thể ngay các trường cao đẳng, đại học sư phạm hiện có để thành lập 3 trường đại học vùng tại 3 miền: Trung, Nam, Bắc; 3 trường cao đẳng kèm theo rồi thành lập 2 trường cao đẳng dành riêng cho đồng bào dân tộc ở 2 đầu". Cơ sở của đề nghị này là "tỉnh nào cũng có trường nhưng chất lượng không đảm bảo, cơ sở vật chất quá nghèo nàn". "Phân tán nguồn lực ra như vậy thì làm sao đào tạo để có được đội ngũ cho mạnh mẽ như chúng ta muốn?" - ông Bá Thanh đặt câu hỏi. Theo ông, việc quan trọng nữa phải làm là: "Đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi, hiện đại hóa giáo trình; sàng lọc đội ngũ giáo viên, có chế độ chính sách cho một bộ phận giáo viên cũ nghỉ để lực lượng trẻ, khỏe đi vào". Những ý kiến của ông Bá Thanh được nhiều ĐB tán đồng.

Một số ĐB đề nghị cải thiện một số chính sách cho giáo viên, nhất là các trường mầm non, khôi phục lại chế độ phụ cấp thâm niên...; và đặc biệt là có chế độ nhà ở công vụ cho những giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, phòng làm việc cho giáo viên... là những vấn đề vừa qua thiếu sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân: Sau “2 không” sẽ là “không đọc chép”

"Các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục những năm qua không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, đang làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục, dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển của giáo dục; triệt tiêu động lực phấn đấu "dạy tốt, học tốt" của thầy và trò nói riêng. Sở dĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn vấn đề trên làm khâu đột phá là nhằm xử lý "cái nền" cho chắc. Nếu đơn vị nào đã làm tốt những việc như tôi nói trên thì sẽ chuyển qua cái không thứ ba là "không đọc chép", đó là một việc làm tích cực nhằm đổi mới phương pháp dạy và học. Nếu xử lý xong những vấn đề trên thì chuyển sang xử lý những tiêu cực khác mà người dân đang "kêu" như: Tiêu cực trong quản lý tài chính; tiêu cực trong dạy thêm học thêm; "chạy" trường "chạy" lớp, trong tuyển dụng giáo viên...

Tháng 3 năm sau , chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động ngân hàng điện tử câu hỏi thi và câu hỏi kiểm tra cho các môn học phổ thông. Các trường có thể lên mạng tải những câu hỏi về thực hiện nhằm đổi mới cách thi. Một ngân hàng quan trọng không kém khác cũng đi vào hoạt động, đó là ngân hàng giáo trình điện tử. Trước nay, công việc này do các thầy cô tự làm, mỗi nơi tự soạn, vừa mất công lại dễ bị lặp lại. Khi có ngân hàng này, các trường có thể tải giáo trình đã được soạn sẵn về tham khảo". (M.Q ghi)

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.