Chúng ta biết, trong một thời gian không ngắn, hình thức quản lý Chính phủ nước ta ít nhiều chịu ảnh hưởng mô hình của Liên Xô cũ, như Chính phủ thì gọi là Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đương nhiên, tìm hướng đi bao giờ cũng có mặt lợi, mặt bất lợi, trước khi tính chất Việt Nam được khẳng định. Có lúc, Hội đồng bộ trưởng gồm những nhà lãnh đạo chính trị, cho nên nhiều cán bộ chính trị có thể đứng đầu nhiều bộ khác nhau, hết bộ này sang bộ khác. Có lúc, lại lấy chuyên sâu làm chuẩn, coi quản lý như một ngành kinh tế kỹ thuật và chọn lựa cán bộ theo tiêu chuẩn ấy. Ngày nay, tuy không hoàn toàn là chính trị và cũng không hoàn toàn là chuyên môn, nhưng vấn đề vẫn còn đó. Vì vậy, Thủ tướng đề xuất việc nghiên cứu quản lý lĩnh vực sao cho thích đáng.
Hệ thống chính trị của nước ta đã quy định rõ ràng những phạm vi có tính nguyên tắc. Đường lối chung là do Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định, thực hiện nghị quyết các kỳ đại hội toàn quốc của Đảng. Chỉ tiêu kế hoạch kinh tế, văn hóa, xã hội thì do Quốc hội quyết định bằng chỉ tiêu pháp lệnh. Quản lý Chính phủ thì Chính phủ đảm bảo kế hoạch thực hiện tổng hợp liên ngành, liên địa bàn. Bộ được phân công quản lý về mặt nhà nước ở từng lĩnh vực cụ thể, theo đúng nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ.
Đây là chúng ta nói rạch ròi, chứ kỳ thực, không phải tất cả đã đi vào một hình thức "lập trình" đâu ra đó minh bạch. Tức, vẫn còn một tình thế quá độ đang biến động liên quan đến biến động chung, xoay trở chung của đất nước trong yêu cầu khơi dậy nội sinh mạnh nhất, đồng thời kết hợp tốt nhất trong hòa nhập với bên ngoài. Phạm vi các bộ như hiện nay đã hợp lý chưa, có thể tổ chức gọn hơn không? Như dư luận từng lên tiếng, tại sao cứ còn "bộ chủ quản" gây bao nhiêu tác tệ - mà thu xếp tách các tổng công ty, công ty ra khỏi các bộ lại khó đến mức kéo dài bao nhiêu năm - năm 2006 cần kết thúc ở những bộ nào ?
Tôi nghĩ, để thực hiện ý kiến của Thủ tướng, đã đến lúc những cơ quan nghiên cứu chiến lược của Chính phủ cần tập trung vào phân tích sự quản lý của Chính phủ nước ta trong vòng 60 năm qua. Vừa rồi, Chính phủ đã chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ, nhưng theo lối biên niên, trong khi cần một cách nhìn về bản chất chung nhất qua thời gian thử thách, qua hiệu quả. Quản lý của Chính phủ, dù mang bản chất chính trị như thế nào, vẫn có khía cạnh chuyên môn mà loài người đã hình thành ở những mức khác nhau, ở những dạng khác nhau trên khắp thế giới, tất cả đều đáng cho chúng ta tham khảo, kể cả các chính phủ dưới thời nước ngoài xâm lược nước ta. Tổ chức khoa học quản lý lĩnh vực chính là góp phần rất quan trọng chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng.
Tháng 1/2006
Trần Bạch Đằng
Bình luận (0)