Cải cách, mấu chốt là con người

13/08/2015 05:25 GMT+7

50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gặp phiền hà và 32% nói rằng phải 'bôi trơn' khi làm thủ tục thuế, thực sự là nỗi hổ thẹn cho nền hành chính quốc gia.

50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng gặp phiền hà và 32% nói rằng phải “bôi trơn” khi làm thủ tục thuế, thực sự là nỗi hổ thẹn cho nền hành chính quốc gia. Điều này cho thấy, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới chỉ thực sự “nóng” trong quyết tâm của các nhà lãnh đạo đất nước mà chưa “động lòng” các công chức, đặc biệt ở những lĩnh vực mà hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp (DN).

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, trong phiên thảo luận về dự án luật Phí và lệ phí tại Ủy ban TVQH hôm 10.8 có nói rằng: “Người dân khổ không phải vì tiền nộp mà mệt để đi nộp tiền... Vậy mới có chuyện đi nộp thuế cũng phải bôi trơn, bôi để được nộp”. Nhưng chuyện lạ kỳ ấy, đáng tiếc lại là sự thật và xem ra con đường đạt các tiêu chí về thủ tục hành chính ngang nhóm ASEAN 6 trong năm 2015 và ASEAN 4 trong năm 2016 còn xa vời.
Thuế và hải quan là 2 lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với DN, có phạm vi tác động lớn đối với cả nền kinh tế. Từng công chức thuế và hải quan có thể có những quyết định, tác động mạnh mẽ đến hoạt động và thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của DN. Cho nên, dễ hiểu khi Chính phủ coi cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan là khâu đột phá để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng có một sự thật: các quy định, trình tự dù đang ngày càng được rút ngắn, hoàn thiện lại chưa tạo được nhiều hiệu ứng thay đổi ở thực tế. Bởi lẽ đơn giản, khi mà hành động nhận tờ tiền kẹp trong mỗi hồ sơ kê khai thuế không bị xử lý như một hành vi tham nhũng đáng xấu hổ, thì việc tuyên bố cắt giảm thủ tục thuế xuống còn 420 giờ, hay thấp hơn nữa cũng không có nhiều giá trị.
Ở cấp độ quốc gia, VN hiện đã có sự chuyển đổi rất lớn về tư duy: tư duy nhà nước quản lý (đặc quyền, ban ơn, ban phát...) sang tư duy nhà nước cung cấp dịch vụ công (nhà nước phục vụ). Và có một nguyên tắc: muốn cải thiện dịch vụ công thì phải biết người đang sử dụng dịch vụ, người thụ hưởng chất lượng phục vụ, đánh giá như thế nào? Thế nhưng, các cơ quan công quyền của chúng ta hiện không có hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân và DN. Nói chính xác hơn là, người dân và DN không tác động vào quá trình nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức. Thế nên, dễ hiểu khi công chức nói chung, công chức ngành thuế, hải quan nói riêng không có “nhu cầu” phải làm hài lòng người dân và DN.
Muốn cải cách thủ tục hành chính thành công, nhất thiết phải đi kèm với việc cải cách hệ thống giám sát công chức, cải cách gì thì mấu chốt vẫn là cải cách con người. Việc đánh giá, đề bạt cán bộ công chức phải lấy căn cứ là mức độ hài lòng của người dân và DN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.