Còn chưa đến 6 tháng nữa là hết năm 2015 nhưng những hoạt động cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 lần 2 (Nghị quyết 19/NQ-19 ban hành ngày 16.3.2015) của Chính phủ đang có dấu hiệu chậm lại và có nhiều khả năng, những chỉ tiêu nêu trong nghị quyết này năm nay sẽ không đạt được theo yêu cầu của Chính phủ.
Cụ thể, theo Nghị quyết 19 lần 2, Chính phủ đưa ra yêu cầu: ngành tài chính phải tiếp tục cải cách thủ tục, giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống còn không quá 171 ngày (nộp thuế 121,5 giờ/năm; bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm); thời gian thông quan qua biên giới tối đa 13 ngày với hàng xuất khẩu và 14 ngày với hàng nhập khẩu; thời gian tiếp cận điện năng tối đa 36 ngày...
Đó là những chỉ tiêu rất khó và thậm chí có nhiều khả năng không đạt được khi gần hết tháng 6.2015 nhưng mới có 11/26 bộ, và 11/63 tỉnh, thành phố có chương trình hành động thực hiện. Thậm chí, tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Thủ tướng đã phải tỏ thái độ không hài lòng khi nghe báo cáo: lãnh đạo nhiều địa phương còn không biết là có một Nghị quyết 19 mới thay cho Nghị quyết 19 đã ban hành năm 2014 về cải thiện môi trường kinh doanh.
Đáng nói hơn, trong khi ngành thuế, hải quan... có những cải cách đáng kể ban đầu như thời gian nộp thuế từ mức trên 900 giờ/năm theo WB, sau một năm thực hiện Nghị quyết 19 (năm 2014) đã giảm 380 giờ/năm; thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm 100 giờ/năm. Một số chỉ số còn đạt và vượt yêu cầu như: chỉ số khởi sự kinh doanh đã cải thiện được 72 bậc, cao hơn mức trung bình của ASEAN 6 hay chỉ số bảo vệ nhà đầu tư đã cải thiện 105 bậc, đạt mức trung bình của ASEAN 6. Nhưng ở một số ngành khác không thấy có hoạt động cải cách nào đáng kể.
Chẳng hạn, Bộ Khoa học - Công nghệ vẫn chưa có giải pháp sửa đổi dự thảo thông tư quy định về điều kiện nhập khẩu máy móc, công nghệ, dây chuyền... để thay thế cho Thông tư 20/TT-KHCN (đã bị Chính phủ yêu cầu đình chỉ năm 2014)... cũng cho thấy, tư duy cũ vẫn còn tồn tại, không dễ thay đổi.
Những yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết 19 lần 2 để cải thiện môi trường kinh doanh, đạt tiêu chuẩn ngang với các nước ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines) vào năm 2016 đang đứng trước nhiều thách thức, nếu như những việc cải cách không vượt qua những trở lực, rào cản từ sự trì trệ ở một số bộ ngành. Vì thế, một sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn để xử lý những phát sinh, yếu kém trong tổ chức chỉ đạo cải cách ở các bộ, ngành, từ phía Chính phủ là rất cần thiết, trong thời điểm này để quá trình cải cách theo Nghị quyết 19, vượt qua những “dòng nước ngược”.
Bình luận (0)