Cải cách sẽ khiến các nhóm lợi ích chịu thiệt

03/03/2016 05:56 GMT+7

Nền kinh tế VN được kỳ vọng sẽ bước vào “lần đổi mới thứ hai” nhưng làm thế nào để lần đổi mới này thành công?

Nền kinh tế VN được kỳ vọng sẽ bước vào “lần đổi mới thứ hai” nhưng làm thế nào để lần đổi mới này thành công?

Doanh nghiệp VN đang thiếu hứng khởi trong đầu tư, kinh doanh - Ảnh: D.Đ.MinhDoanh nghiệp VN đang thiếu hứng khởi trong đầu tư, kinh doanh - Ảnh: D.Đ.Minh
Ông Nguyễn Xuân Thành (ảnh), Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, vừa trả lời Thanh Niên xung quanh vấn đề này.
Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp
* Nhiều ý kiến cho rằng, muốn cuộc đổi mới thành công, chúng ta phải tạo ra một lực lượng doanh nghiệp (DN) hùng hậu, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Đông Bắc Á hình thành được khu vực DN tư nhân trong nước đi lên từ những DN nhỏ và vừa (DNNVV) thành DN lớn. Ngược lại, ở khu vực Đông Nam Á không xuất hiện được những DN tư nhân lớn có năng lực cạnh tranh. Một số DN có quy mô lớn nhưng lợi nhuận dựa vào quan hệ với hệ thống chính trị. Vì thế, các DNNVV không lớn lên được. Nhưng đáng lo ngại hơn là điều đó đã đẩy các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á rơi vào bẫy thu nhập trung bình và đây cũng là viễn cảnh của VN. Muốn DN tư nhân lớn mạnh hơn đòi hỏi nhóm lợi ích khác phải giảm bớt quyền lực. Trước hết là về mặt chính sách (tiếp cận nguồn lực, thị trường, đất đai), cần có sự bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước (DNNN). Lâu nay, khối DNNVV bị chèn ép nên chuyện trở thành DN lớn là rất khó. Vấn đề nguồn nhân lực cũng là một sự khác biệt lớn giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Làm thế nào để có được những DN sản xuất có quy mô lớn, có thương hiệu trên toàn cầu, đặc biệt là phải đào tạo được kỹ sư, quản lý.
* Theo ông có phải bị chèn ép, bị hạn chế trong tiếp cận nguồn lực khiến người ta muốn cất tiền trong tủ hơn là đem ra làm ăn, kinh doanh?
- Ở VN, để phát triển DN tư nhân thực sự phải nhìn nhận lại vai trò của DNNN. Nguồn lực thật sự của nhà nước là dành cho khu vực DNNN. Với khu vực tư nhân, nhà nước chỉ tạo điều kiện đủ để duy trì được tăng trưởng chứ không tập trung nguồn lực của mình cho khu vực này. Nghĩa là tôi tạo cho anh môi trường, tự anh phát triển, những cái anh làm ra không bị cướp đi. Còn trong quá trình sản xuất kinh doanh, cần hỗ trợ gì hay xin giấy phép, anh phải tiếp xúc với cơ quan công quyền bằng cách bôi trơn. Những ai có được kỹ năng bôi trơn giỏi thì thành công. Ai cũng biết tăng trưởng do khu vực tư nhân tạo ra, công ăn việc làm cũng vậy. Nếu chính sách bóp chặt DN tư nhân thì nền kinh tế này sẽ đình trệ.


Tất cả những điều tôi đặt ra ở trên đều có thể thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn nhưng không phải ai cũng được lợi. Sẽ có những nhóm lợi ích chịu thiệt; sẽ đòi hỏi những chuyển dịch trong tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nhóm khác nhau



Vậy làm sao có nhiều DN mới thành lập? Làm sao khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp của người dân VN? Thứ nhất, theo tôi là phải ổn định vĩ mô, để người ta sẵn sàng bỏ nguồn lực ra để đầu tư. Thứ hai, phải có hệ thống giáo dục tốt, đào tạo những người có năng lực, có tư duy sáng tạo và sẵn sàng tham gia khởi nghiệp. Việc này đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học phải đổi mới, khuyến khích sáng tạo chứ không phải giáo dục một cách rập khuôn...
Chậm đổi mới
* Với các hiệp định kinh tế thế hệ mới như TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), với EU (Liên minh châu Âu), Cộng đồng chung ASEAN..., chính sách phát triển kinh tế VN cần được điều chỉnh như thế nào để phù hợp với giai đoạn mới, thưa ông?
- Nếu như nhìn vào cả một quá trình phát triển kinh tế - xã hội của VN kể từ khi đổi mới đến nay, chúng ta có thể thấy các giai đoạn tăng trưởng tốt đều xuất phát từ những chính sách cải cách mới, sâu rộng về thể chế kinh tế. Thứ hai là, những cải cách mang tính đột phá và sau đấy kéo theo các chính sách phải thay đổi luôn có tác động lâu dài hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hầu hết những thay đổi chính sách mang tính nhỏ lẻ. Dù có sự tiếp nối nhưng không buộc được những thể chế hiện hữu trong nền kinh tế phải thay đổi theo. Chính vì vậy, dù kinh tế VN tăng trưởng chậm có câu chuyện của ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cơ bản vẫn là do VN chậm đổi mới.
Các hiệp định thương mại đều mang lại lợi ích cho nền kinh tế VN, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong những năm tới. Nhưng nếu VN không thay đổi thì cũng giống như WTO trước đây, sẽ không thu được lợi nhiều từ các hiệp định này. Cái nguy hiểm là, không có nghĩa là nếu VN không thay đổi thì sẽ chết. Thành ra áp lực thay đổi thể chế kinh tế vẫn chưa lớn. Không giống như trước kia, lúc đổi mới, khi chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Lúc đấy, không thay đổi đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ sụp đổ.
* Cụ thể, đối với VN, những cải cách, thay đổi nào mà ông muốn nhấn mạnh?
- Đó là một nhà nước pháp quyền, các thể chế kinh tế thị trường thúc đẩy cạnh tranh cần được đẩy mạnh, đảm bảo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặt trọng tâm chính sách là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực từ hệ thống giáo dục đào tạo đại học trở lên, đưa những phản ứng mang tính ngắn hạn để giải quyết những nút thắt về giao thông hay cơ sở hạ tầng nói chung sang một chương trình đầu tư kết hợp với quản lý cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược và dài hạn. Đó là nền tảng rường cột để cho một nền kinh tế thị trường phát triển. VN vẫn còn một thời gian để khai thác cơ cấu dân số vàng của mình.
Nhưng vấn đề làm sao để thực hiện được chúng? Tất cả những điều tôi đặt ra ở trên đều có thể thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn nhưng không phải ai cũng được lợi. Sẽ có những nhóm lợi ích chịu thiệt; sẽ đòi hỏi những chuyển dịch trong tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nhóm khác nhau; giữa DNNN với DN tư nhân; giữa hoạt động sản xuất nhỏ lẻ manh mún với hoạt động sản xuất quy mô lớn hơn. Như vậy, sức ép cải cách thể chế là có nhưng chưa đủ lớn. Nếu không tập trung cải cách, một thời gian dài VN sẽ nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. VN sẽ là nước có tăng trưởng nhanh nhưng luôn là nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.