Cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

09/11/2023 07:09 GMT+7

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, ngăn chặn quan hệ doanh nghiệp "sân sau"... là những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi việc thực hiện thời gian qua chưa như kỳ vọng.

"CHƯA THỰC SỰ MUỐN PHÂN QUYỀN"

Sáng 8.11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên chất vấn trong kỳ họp 6, QH khóa XV. Nêu câu hỏi chất vấn trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều đại biểu (ĐB) đề cập chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chưa đạt kết quả kỳ vọng.

Cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - Ảnh 1.

Tiếp tục cải cách thể chế, phân cấp phân quyền hợp lý sẽ giúp các địa phương đạt được đột phá trong xây dựng hạ tầng, phát triển KT-XH (Trong ảnh: Khu vực cầu Sài Gòn - metro số 1 tại TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) phản ánh Nghị định 42 từ năm 2017 đang phân cấp mạnh mẽ khi cho phép việc ủy quyền cho địa phương thẩm định dự án, thiết kế dự toán xây dựng với một số dự án nhóm A thì đến Nghị quyết 15 năm 2021 không còn cho phép ủy quyền nữa. "Có những dự án khu du lịch trên 800 tỉ đồng nhưng công trình thấp tầng, việc xây dựng không đòi hỏi kỹ thuật cao thì địa phương hoàn toàn đủ năng lực thẩm định", ĐB Hạnh nêu.

Hồi đáp các ĐB, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận việc phân cấp, phân quyền tổ chức thực thi chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn. Thủ tướng cho rằng lý do chủ yếu là chưa thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách đã có. Cùng với đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền.

Cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn ngày 8.11

Khi phân cấp, phân quyền không có nghĩa giao khoán cho địa phương, cấp dưới. Chúng ta phải tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế. "Các cấp cũng phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, hạn chế tránh né, đùn đẩy", Thủ tướng nói. Trong báo cáo trình bày trước QH, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả.

Với vấn đề phân cấp dự án mà ĐB Lý Tiết Hạnh nêu, Thủ tướng nói sẽ rà soát, đánh giá lại xem thế nào phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc lại phân cấp, phân quyền phải nâng cao khả năng thực thi, tăng giám sát, kiểm tra. "Khi phân cấp, phân quyền không có nghĩa giao khoán cho địa phương, cấp dưới. Chúng ta phải tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ khi gặp khó khăn", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tục hành chính vẫn rườm rà

Vấn đề cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng được nhiều ĐB chất vấn Thủ tướng. ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng việc cải cách vẫn còn chưa rõ trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, thủ tục hành chính vẫn rườm rà, sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn cản trở sự phát triển. Bà Hoa đề nghị Thủ tướng cho biết 3 lựa chọn ưu tiên để khắc phục tình trạng nói trên.

ĐB Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) nói rất đồng tình khi Thủ tướng nhấn mạnh sẽ kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dẫn lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn về việc "sẽ quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau", bà Nhung cho rằng Chính phủ, Thủ tướng cần phải có giải pháp căn cơ cốt lõi để nhận diện đúng, trúng, kịp thời cái gọi là "quan hệ doanh nghiệp sân sau", để có cơ sở thiết kế quy phạm pháp luật, tăng chế tài xử lý vấn đề này.

Trả lời các ĐB, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay vấn đề cải cách thể chế đã được thảo luận mấy ngày qua. Theo Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội XIII xác định 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực. Tháo gỡ được thể chế thì sẽ huy động được các nguồn lực; phát triển hệ thống hạ tầng thì tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistics; nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của từng giai đoạn mà chọn cái nào ưu tiên theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa.

Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tình trạng thủ tục hành chính rườm rà chính là nguyên nhân gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Cạnh đó, một bộ phận cán bộ công chức, viên chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm… Theo Thủ tướng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để đội ngũ cán bộ nâng cao ý thức bản thân. Cùng đó, phải đảm bảo lợi ích vật chất, tinh thần để cán bộ yên tâm hoàn thành chức trách được giao. Đồng thời, các bộ, ngành cần rà soát lại thủ tục trong lĩnh vực mình quản lý để cắt giảm một cách quyết liệt. "Căn cơ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính", Thủ tướng nhìn nhận.

Về vấn đề ĐB Trần Thị Kim Nhung nêu, Thủ tướng cho rằng đã có các nghị quyết, kết luận của Đảng, Bộ Chính trị. "Vấn đề hiện nay là cần cụ thể hóa để thực hiện cho tốt, trên cơ sở đề cao trách nhiệm người đứng đầu cũng như các cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ", Thủ tướng kết luận.

"NHIỆM KỲ NÀY LÀ THÍ ĐIỂM"

Trước đó, sáng 7.11, khi gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng, ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP.Hà Nội) phản ánh "nhiều cử tri và ĐB QH nói vui rằng nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm". Theo bà Thủy, việc thực hiện thí điểm tuy có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, song lại tạo ra sự thiếu thống nhất, gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật.

Bà Thủy đề nghị Thủ tướng cho biết việc thực hiện thí điểm quá nhiều như vừa qua có phải là bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành? "Nếu các chính sách đang thí điểm có hiệu quả tốt, tại sao Chính phủ không trình QH sửa đổi luật để áp dụng thống nhất mà chỉ đề xuất mở rộng trong một số dự án, địa phương cụ thể? Như vậy liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách, hình thành cơ chế xin - cho hay không?", bà Thủy chất vấn.

Trả lời ĐB Thủy sáng qua, Thủ tướng cho biết nước ta là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi. Trong khi đó, tình hình thế giới, thực tiễn đất nước thay đổi rất nhanh. "Văn bản, quy định có cái theo kịp, sát thực tế, có cái chưa, mà quy trình xây dựng pháp luật cũng còn tốn nhiều thời gian, công sức", Thủ tướng nói.

Về vấn đề thí điểm, Thủ tướng nêu rõ đã có cơ sở chính trị là các nghị quyết của T.Ư. Theo đó, cái gì đã rõ, đã "chín", thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa; cái chưa rõ, chưa "chín" thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và mở rộng dần. Cùng đó, về cơ sở pháp lý, Thủ tướng cho biết trong luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này. Thực tiễn cũng cho thấy QH thời gian qua đã ban hành nhiều nghị quyết thí điểm và có hiệu quả.

"Như vậy, chúng ta có cả cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý", Thủ tướng nói. Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định vấn đề này cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. "Sắp tới, chúng tôi nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Khắc phục kịp thời tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá trong hơn 2 ngày chất vấn, các đại biểu QH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.

Cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn tại kỳ họp 6 Quốc hội XV

GIA HÂN

Đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của thành viên Chính phủ, trưởng ngành, Chủ tịch QH cũng nêu rõ qua phiên chất vấn cho thấy việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Chủ tịch QH cho biết trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, QH sẽ ban hành nghị quyết chất vấn vào cuối kỳ họp. Chủ tịch QH đề nghị các thành viên Chính phủ, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu QH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của QH về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực đã được chỉ ra.

Lê Hiệp

Cải cách tiền lương cả khu vực ngoài nhà nước

Trả lời câu hỏi của ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) về vấn đề thực hiện chính sách cải cách tiền lương và hoàn thiện các chính sách có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Vừa qua chưa thực hiện được cải cách tiền lương vì nguồn lực còn khó khăn, nhưng quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu giảm chi, tiết kiệm các khoản. Hiện có khoảng 560.000 tỉ đồng để chi cho cải cách tiền lương bắt đầu từ 1.7 đến hết năm 2026. Song song với cải cách tiền lương trong khu vực của nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, tiệm cận với nhau. Ngoài ra sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn với lại hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.