Hội nghị do Tổng cục Hải quan phối hợp với 4 hiệp hội ngành nghề, gồm Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP), Hiệp hội Dệt may (VITAS), Hiệp hội Da giày (LEFASO) và Tổng hội Cơ khí Việt Nam (VFMEA) tổ chức, nội dung bàn về cải cách thủ tục hải quan trong quản lý hàng gia công xuất nhập khẩu. Phòng hội nghị đông kín người, khách phải ngồi tràn ra ngoài cửa. Bên trong hội trường, không khí nóng ngay từ câu hỏi đầu tiên. Ông Phạm Ngọc Hữu, cựu cán bộ hải quan, nguyên điều phối viên hải quan của APEC, hiện đang làm tư vấn hải quan cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đã bị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường ngắt lời giữa chừng vì nói quá dài. Nhưng thực chất, những điều ông Hữu - người hiểu rõ ngành hải quan hơn ai hết - nói ra giữa hội nghị có thể khiến ông chủ tọa “nóng mặt”.
Ông Hữu cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là hải quan không hiểu doanh nghiệp. Các văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan dường như chủ yếu là để cán bộ hải quan dễ dàng quản lý, nhưng không tính đến khả năng doanh nghiệp thực hiện được hay không. Nói thẳng ra là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong thời gian 10 năm, Bộ Tài chính ban hành 3 thông tư, 1 quyết định (về quản lý hàng gia công xuất nhập khẩu), giờ lại tiếp tục sửa đổi. Như vậy, văn bản có tuổi thọ ngắn, vì không theo kịp thực tế.
Ông Hữu còn thông tin thêm, ở các nước, trước khi ban hành văn bản, người ta hỏi ý kiến người thực hiện, chứ không phải từ chủ quan mà ra. Điều đó khiến văn bản có đời sống dài hơn và gần gũi với người thực hiện. Ông Hữu đưa ví dụ, Thông tư 116 muốn trích đoạn nào cũng rất khó, cách diễn đạt nhiều nội dung không rõ ràng, kỹ thuật văn bản dễ khiến doanh nghiệp hiểu lầm hoặc không hiểu… Đôi khi chỉ vì hai dấu đóng mở ngoặc đơn cũng khiến doanh nghiệp không biết đường nào mà lần. Ông Hoàng Việt Cường ngắt lời ông Hữu vì đó là những vấn đề thuộc về kỹ thuật văn bản, sau này sẽ giải quyết. Nhưng ông Hữu nhất định không chịu, vì lỗi kỹ thuật văn bản có cái làm cho doanh nghiệp “chết cứng”, không làm chứng nhận được hàng hóa.
Nhưng những bất cập của hải quan không phải doanh nghiệp nào cũng dám nói, bởi “tế nhị”. Ông Hữu cho rằng, một số doanh nghiệp thiết lập đường dây riêng cốt cho nhanh chóng hoàn thành công việc. Các doanh nghiệp hiện nay cũng chỉ dám phát biểu với hiệp hội, từ đó hiệp hội phản ánh lại với hải quan. Có hai nguyên nhân: sợ va chạm hoặc chưa hiểu hết văn bản nói gì. Trong trường hợp này, đại diện Hiệp hội Da giày đề nghị doanh nghiệp nên làm thủ tục hải quan thông qua đại lý do hiệp hội thành lập để hỗ trợ doanh nghiệp của mình. Nhưng doanh nghiệp nói không đơn giản, vì giao cho đại lý làm thủ tục dễ gặp rủi ro. Nhiều trường hợp doanh nghiệp “ôm sô” vì nhân viên đại lý nghỉ việc, thất lạc chứng từ giấy tờ.
Không chỉ doanh nghiệp than khổ, ngay cả cán bộ hải quan cũng “phê” thủ tục hải quan “quá nhiêu khê”. Ông Đặng Thành Tô, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công - Cục Hải quan Hà Nội, nói: Có nhiều loại giấy tờ hải quan thừa, nên bỏ đi, như đơn đề nghị lấy mẫu, đơn đề nghị chuyển cửa khẩu…, “đơn tràn lan”.
Một số cán bộ hải quan cho rằng, vấn đề là cải cách tư duy. Cơ quan hải quan là quản lý và phục vụ. Chúng ta cần thống nhất tư duy quản lý là quản lý chung, phục vụ doanh nghiệp cũng phục vụ chung. Nên bỏ quan niệm đối với chuyện hải quan nọ làm đỡ cho hải quan kia, làm giúp chuyện nọ làm giúp chuyện kia. Từ đó nảy sinh ra tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Việc quản lý hàng gia công xuất nhập khẩu hay ngành hàng khác cũng thế, đấy là nhiệm vụ chung của hải quan. Chúng ta có suy nghĩ chung thì doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả, đỡ khổ hơn trong làm thủ tục.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)