Đó chính là băn khoăn của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính từ nhiều năm trước.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều phiền hà khi làm thủ tục thuế - Ảnh: Khả Hòa
|
Phải thừa nhận, trong mấy năm gần đây, trước sức ép của dư luận, của giới DN và của cả chính Thủ tướng, ngành thuế đã có những cải cách và thể hiện quyết tâm cải cách đáng ghi nhận. Song, việc giảm từ 537 giờ cho mỗi DN làm thủ tục thuế xuống còn 117 giờ sao lại nhanh như thế? (giảm 420 giờ). Liệu con số này đã đủ tin cậy và thuyết phục chưa?
Việc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của DN năm 2014 cho thấy, vẫn còn tới 50% DN gặp phiền hà và 32% thừa nhận còn phải "bôi trơn" khi họ làm các thủ tục về thuế đối với Nhà nước.
Cũng có thể, con số về giờ làm thủ tục thuế giảm mạnh chưa thể nói lên tất cả? Từ con số của VCCI, ngoài 32% các DN phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế (trong đó có 19% là DN khu vực nhà nước, 33% là DN tư nhân và 41% là DN có vốn đầu tư nước ngoài), cũng cần suy nghĩ thêm để tìm ra lời giải chuẩn xác nhất cho vấn đề thực chất trong cải cách thủ tục thuế.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn không khỏi tâm tư khi lý giải vì sao DN lại thờ ơ khi góp ý mà thực ra sẽ có lợi cho chính họ, đó là vì ở nhiều hội nghị, họ đã trình bày quá nhiều, nhưng kết quả tiếp thu lại chẳng được là bao. Và buồn đến nỗi, như bà Cúc kể, có nhiều hội nghị, khi các chuyên gia phát biểu, thậm chí đấu tranh vì DN mà ở dưới, các DN vẫn về không muốn nghe, sau khi họ được kêu và đã được nói. Còn người khác nói, họ không muốn nghe nữa?
Phải chăng, họ bị mất lòng tin vì bộ máy thuế chuyển động theo hướng tích cực có vẻ chậm quá? Họ biết nhưng không muốn nói nhiều, sợ bị gây khó vì họ hiểu, có thể quan chức thuế thì bức xúc, muốn cải tổ nhanh nhưng cán bộ cơ sở thì không thật tâm huyết, vẫn muốn duy trì và vẫn nặng "tư tưởng xin - cho"?
Tôi được biết, nhiều năm nay, ở các cục thuế trên cả nước, khi tổ chức thi tuyển công chức thuế đều vô cùng đông thí sinh dự thi vì nhiều người vẫn luôn nghĩ vào làm ở ngành này, dù lương nhà nước có thấp nhưng vẫn "sống khoẻ"?
Mới năm ngoái, ở Cục Thuế Hà Nội có đến 8.000 thí sinh xin đăng ký dự thi, cho dù họ biết chỉ có trên 400 người sẽ được tiếp nhận. Nghe nói, năm 2014 vừa rồi, cũng có một số thí sinh là con đẻ, cháu ruột lãnh đạo cục vẫn bị trượt. Nghe có vẻ xưa nay hiếm và rất lạ, nhưng đó là thực tế đáng ghi nhận.
Phải chăng cũng do gần đây, ở đâu đó có chuyện tiêu cực như ở một ngành của tỉnh Thanh Hoá, như ở một cục của Bộ Công thương bị báo chí lên tiếng và đã phải xử lý tới cùng, khiến cho kỷ cương trong thi tuyển đã được nhiều nơi quan tâm chấn chỉnh? Đã tới lúc phải thực hiện khâu tuyển chọn nhân lực thật nghiêm túc, nó không chỉ là trình độ, kiến thức mà cần cả đạo đức nghề nghiệp. Không thể chấp nhận những nhân sự vào ngành với mong muốn coi nơi đây là chỗ để kiếm chác, vụ lợi... Bên cạnh đó, đây cũng là ngành tạo nguồn thu ngân sách rất quan trọng, phải làm sao để người làm việc ở nơi đây đủ sống bằng lương đàng hoàng. Nếu ai đó vi phạm, phải kiên quyết sa thải và nghiêm trị bằng luật pháp.
Có lẽ, để ngăn chặn bớt tiêu cực trong ngành thuế, giảm áp lực trong khâu dự tuyển vào ngành thuế như một ví dụ nhỏ tôi vừa nêu, chúng ta nên suy nghĩ và đồng thuận với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đó là phải tính tới việc cải cách mạnh hơn trong ngành thuế. Ông Tuấn nói: "Phải giảm tối đa sự tiếp xúc giữa người nộp thuế với cán bộ thuế. Càng khai, nộp thuế qua mạng càng tốt. Thanh tra, kiểm tra phải khách quan, không chủ quan và áp đặt lên DN".
Bình luận (0)