Sự sống lại của người đàn bà kỳ lạ cũng báo trước rằng, quá khứ là thứ dai dẳng khó vùi chôn trong một lịch sử đầy ảm đạm và vô phương thông diễn. Một mặt nào đó, sự tái hiện lịch sử từ một nấm mồ hoang lạnh cũng gợi nhắc đến ý tưởng “sống để kể lại”, như một tựa sách hồi ký của văn hào Colombia, ngọn cờ đầu của văn học hiện thực huyền ảo Gabriel García Márquez (Nobel Văn chương, 1982).
Rồi quả thật, “một bầu không khí Márquez” mỗi lúc một đậm đặc hơn khi ta đi xuyên qua câu chuyện phức tạp trong cuốn sách với đại cảnh là lịch sử Indonesia từ thời thuộc địa Hà Lan, qua thời Nhật chiếm đóng, cuộc nội chiến của những nhóm phiến quân, quân cách mạng... Cuốn sách một mặt lần lại mối dây lịch sử tàn bạo và khốc liệt của bối cảnh, một mặt ném vào đó những tàn tích của câu chuyện phận người bị giày xéo trong bạo lực, dục vọng và sự tranh đoạt khoác áo tình yêu.
Dewi Ayu, cô gái nhan sắc, sinh trưởng trong một gia tộc Hà Lan, được giáo dục trong một trường dòng bỗng trở thành kẻ bị lưu đày, rơi rớt lại ở xứ thuộc địa nhiệt đới sau cơn sàng sẩy của một cuộc chính biến. Cô trở thành kẻ sành sỏi và mưu chước trong thế giới tình dục cục súc ở trại lính Nhật và trôi qua những nhà thổ cho đến cuối đời.
Cô gái gốc Hà Lan có tâm hồn đẹp trong thành phố Halimunda đã không bay thoát lên cao như hình tượng Remediod Người-đẹp trong thiên tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, mà mỗi lúc mỗi đáp xuống tiệm cận với vực tối của kiếp người; hơn thế, còn chuyển hóa, biến ảo muôn hình vạn trạng để thích ứng, tồn tại trong cái vũng lầy nhục nhằn.
“Đẹp là một nỗi đau”, có vẻ như cái thông điệp hài hước đen đó cuối cùng nhấn nhá ở chính hình tượng cô con gái út của Dewi Ayu - kẻ được sinh ra trong một tình cảnh hững hờ nực cười, một hiện thân của sự tương phản, cái xấu đau đớn thảm thương và ngờ nghệch - nhưng tìm thấy một lý lẽ để hiện hữu giữa đời. Phải chăng đó là sự cứu rỗi cuối cùng mà kẻ đội mồ sống dậy muốn thấy?
Phương pháp, lối viết Márquez ảnh hưởng tới mức có khi khiến người đọc hoài nghi về tính sáng tạo nơi nhà văn Indonesia này. Tuy nhiên, nếu đi hết cuốn sách (người đọc cần ít nhiều sự kiên nhẫn), ở phần cuối, tác phẩm cho thấy sự chọn lựa phương pháp sáng tác của Eka Kurniawan là hữu lý. Một xứ nhiệt đới bên bờ Thái Bình Dương với lịch sử tối ám, một lược đồ đời sống rối rắm tương đồng “hình mẫu Mỹ Latin” sẽ cần đến một giải pháp có tính biến ảo, một giọng kể thản nhiên, khỏe khoắn đến cường điệu cùng những mặc định huyễn tưởng dẫn dắt.
Eka Kurniawan (sinh năm 1975) là một hiện tượng mới của văn chương Indonesia. Tác phẩm của ông được dịch sang 24 thứ tiếng và đã từng được đề cử vào giải Man Booker International năm 2016. Ngoài Beauty Is a Wound (tựa gốc của Đẹp là một nỗi đau), Eka Kurniawan còn được độc giả Anh ngữ chú ý gần đây với tiểu thuyết Man Tiger, tập truyện ngắn Kitchen Curse.
(*) Tiểu thuyết của Eka Kurniawan, Dương Kim Thoa - Nguyễn Thái Hà dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2020.
Bình luận (0)