Nhưng sở dĩ phải đặt câu hỏi như vậy vì Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011 - 2015 của Bộ TN-MT, cơ quan chịu trách nhiệm lớn nhất về vấn đề này, công bố ngày 29.9 lại gần như "lờ" đi thảm họa lịch sử này.
Lý do đơn vị này chỉ "lướt" qua Formosa còn nực cười hơn, rằng đây là báo cáo giai đoạn 2011 - 2015 còn Formosa xảy ra vào 2016. Nếu "vin" vào lý do hành chính này thì trước hết, báo cáo này đã "phạm tội" quá chậm trễ, tới gần 1 năm trời. Trong khi quãng thời gian 9 tháng năm 2016 là giai đoạn nóng nhất, gây nhiều bức xúc nhất, thiệt hại lớn nhất về môi trường với hàng loạt các vụ đình đám như Formosa, Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang), các vụ xả thải trộm ra sông, biển... Nếu thực sự có trách nhiệm, Bộ này phải cập nhật tất cả những vấn đề hiện tại, phân tích một cách cụ thể về tác hại đến môi trường sống, đến nền kinh tế, đến sức khỏe của người dân. Từ đó có các giải pháp chính xác để phòng, “chữa bệnh” cho môi trường. Thậm chí nếu cần, có thể lùi ngày công bố lại để cập nhật các vụ này, vì một báo cáo quốc gia không nên và không thể bỏ lọt các thảm họa đi vào lịch sử môi trường VN như Formosa.
Hãy giả định báo cáo của giai đoạn 2016 - 2020 được công bố vào năm 2021 (cũng có độ trễ như báo cáo hiện nay), khi đó Formosa hoàn toàn có thể cũng được bỏ qua với lý do "xảy ra ở giai đoạn đầu" mà giai đoạn cuối có nhiều sự cố khác. Vậy thì thảm họa Formosa xả thải làm cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, làm hàng vạn ngư dân, nông dân điêu đứng, làm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản khốn khổ... có thể đường hoàng "lọt sổ" lắm chứ?
Đáng nói là cũng trong ngày công bố báo cáo nói trên, Tổng cục Thống kê cũng họp kinh tế 9 tháng đầu năm và ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, cho biết cơ quan này có đánh giá tác động của sự cố Formosa đã góp phần làm giảm GDP sau khi kéo ngành nông nghiệp và thủy sản giảm. Vậy nếu bỏ qua Formosa, cái gì mới được coi là tác động đến môi trường?
Chưa nói đến quá nhiều thiếu sót và sơ sài trong báo cáo của Bộ TN-MT, nhưng cách làm máy móc này là lý do rất nhiều đề án, báo cáo, quy định vừa đưa ra đã lạc hậu. Nếu không có Formosa, hiện tượng ngập úng ở TP.HCM, ĐBSCL không có lũ gây khó khăn cho "vựa lúa" của cả nước... những vấn đề mà ngành môi trường chúng ta đang đối mặt, những vấn đề sát sườn nhất với con người, với nền kinh tế, với đất nước thì báo cáo sẽ định hướng bảo vệ môi trường như thế nào trong giai đoạn tới?
Môi trường đang là vấn đề nóng trên toàn cầu chứ không riêng gì VN và các vấn đề liên quan đến môi trường thì có rất nhiều. Từ việc nguồn nước khan hiếm, nạn phá rừng, biến đổi khí hậu; quản lý chất thải nguy hại; sử dụng đất; hóa chất, chất thải độc hại và kim loại nặng... Nhưng môi trường của mỗi quốc gia vừa đối mặt với các vấn đề chung lại vừa phải giải quyết các vấn đề đặc thù riêng. Vì vậy, báo cáo mang tầm quốc gia về môi trường của bất kỳ nước nào cũng phải dựa trên tổng thể những vấn đề chung và riêng thì mới có giải pháp bảo vệ môi trường tối ưu. Còn nếu quan điểm báo cáo giai đoạn nào biết giai đoạn đó mà dễ dàng bỏ qua các vấn đề nóng bỏng thực tại thì rất khó nói đến chuyện bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Cá tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung đến giờ vẫn chưa ăn được, tại sao thảm họa môi trường Formosa, thủ phạm gây ra chuyện này, lại không trở thành một "án lệ" để rút kinh nghiệm từ việc cấp phép đầu vào cũng như kiểm soát chặt chẽ đầu ra của một ngành sản xuất ô nhiễm trong Báo cáo quốc gia về môi trường của VN?
Bình luận (0)