Sau lời dẫn "Lãi suất qua đêm đã vượt trên 8%/năm sau khoảng ba tháng ổn định phổ biến dưới 7%/năm", bài báo viết:
"Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng bắt đầu có những biến động mạnh từ cuối tháng 8.2010 đến nay. Lãi suất qua đêm khá ổn định từ đầu tháng 6.2010 và phổ biến dưới mốc 7%/năm, nay đã tăng mạnh trở lại.
Cụ thể, trong ngày 31.8, lãi suất qua đêm chỉ ở mức 6,86% thì đến ngày 1.9 đã lên tới 7,15%/năm. Đến ngày 6.9, lãi suất này giảm nhẹ xuống còn 7,11%.
Tuy nhiên, trong hai ngày 7 và 8.9 vừa qua, theo cập nhật của Công ty chứng khoán Thăng Long (TLS), lãi suất qua đêm tiếp tục tăng mạnh, lên mức 7,5%/năm và đặc biệt ngày 8.9 ở mức khoảng 8,3% - 8,4%/năm…" (chúng tôi tô đậm).
Ngay trong buổi sáng hôm đó, bài báo đã được hầu hết các website thông tin chứng khoán đăng lại và được đem ra bình luận trên các diễn đàn. Hàng ngàn hàng vạn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã tiếp nhận thông tin này và tin đó là sự thật.
Đối chiếu thông tin trên website của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân qua đêm ngày 8.9 được ghi chính thức là 6,93%. Như vậy là thông tin mà VnEconomy dẫn Công ty chứng khoán Thăng Long đăng tải đã sai quá xa so với sự thật.
Từ đầu năm đến nay trong khi nền kinh tế tăng trưởng "quý sau cao hơn quý trước" thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến ngược chiều.
Liên tục, với tần số dày đặc, một số website về chứng khoán đã đăng tải các thông tin và phân tích về những bất cập của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Đầu năm thì đe dọa về "áp lực lạm phát", "thắt chặt tiền tệ", rồi những khó khăn về "dòng tiền", "nguồn cung cổ phiếu ào ạt"… và gần đây thì đồ đi đồ lại về "Thông tư 13".
Việc thông tin, phân tích, dự báo, phản biện dưới những cách nhìn khác nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc đưa "một nửa sự thật" rồi thổi phồng, bóp méo một cách có chủ đích, tạo thành những con ngáo ộp để gây sợ hãi là chuyện không bình thường chút nào.
Không phải ngẫu nhiên mà các chỉ số chứng khoán trên hai sàn thời gian qua biến động thất thường, hễ lên một chút liền bị đẩy xuống khiến cho phần lớn các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư "nhỏ lẻ" bị thua lỗ nặng, không ít người dùng "đòn bẩy tài chính" bị các công ty chứng khoán giải chấp đã lâm vào cảnh trắng tay.
Có "áp lực lạm phát" không? Cho đến nay là chưa. Giá tiêu dùng suốt nhiều tháng qua đã tăng rất thấp. Có "thắt chặt tiền tệ" không? Cho đến nay cũng không có. Bằng chứng là tổng phương tiện thanh toán, tức là lượng cung tiền cho nền kinh tế 8 tháng qua đã tăng tới 16,31%, gần đạt tới mục tiêu 20% của cả năm rồi.
Còn "Thông tư 13", đó là những quy định bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tiệm cận dần với tiêu chuẩn quốc tế. Có một số bất cập, chẳng hạn như vấn đề tiền gửi không kỳ hạn và những quy định về tỷ lệ rủi ro đối với một số khoản cho vay…, những bất cập đó Thủ tướng đã chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước khảo sát, nếu thực sự chưa phù hợp thì xử lý cho phù hợp. Nhưng rất nhiều bài phân tích đã đồ đi đồ lại sự bất cập của Thông tư 13, rằng khi áp dụng thông tư này ngân hàng sẽ phải hạn chế cho vay, "dòng tiền" vào chứng khoán sẽ bị "thắt chặt".
Cung tiền được mở rộng tất nhiên có lợi cho thị trường chứng khoán, ai cũng hiểu điều đó. Nhưng nên hiểu rằng chứng khoán mà tăng trưởng chỉ do mở rộng cung tiền không thôi thì trước sau cũng sẽ tạo thành bong bóng tài sản. Phải là "tiền tươi thóc thật" thì mới tăng trưởng bền vững.
Kinh tế đi lên thì dân ăn nên làm ra, ăn nên làm ra thì tích lũy được nhiều tiền. Đó mới là "tiền tươi thóc thật". Kênh đầu tư nào có lợi nhất thì tiền mới chảy vào, đó mới là "dòng tiền" chân chính. Thị trường chứng khoán là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, kinh tế đi lên thì thị trường chứng khoán không thể lao dốc mãi được.
Nhưng vì sao có chuyện "đánh xuống"? Đơn giản vì biết chắc rằng nó sẽ đi lên, vì kinh tế đang trên đà tăng trưởng. "Đánh xuống" để mà gom cổ phiếu giá rẻ nhằm kiếm siêu lợi nhuận. Muốn đánh xuống thì phải dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn thổi phồng thông tin để "rung cây nhát khỉ".
Thời gian qua Vedan xả chất thải độc hại vào con sông Thị Vải. Nông dân đã kiện và Vedan đang phải bồi thường. Thông tin hằng ngày như một dòng sông. Tung tin sai, tin giả vào dòng sông thông tin để gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì phải làm sao đây?
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)