Giữa thời cải lương người lớn còn trầy trật, đặc biệt mùa mưa ngâu tháng 7 âm lịch, thì ngay cả sân khấu kịch cũng “rầu”. Vậy mà nhóm Bầu Trời Xanh mới diễn cách đây không lâu nay lại tiếp tục mở màn đắt khách như thế. Buổi diễn vào tháng 7 còn thu được gần 60 triệu đồng, góp phần phát học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo.
Khán giả thực sự thích thú với 8 trích đoạn do các em trình diễn. Tấm Cám với “đào lẳng” Kim Thư làm ai nấy cười bò lăn, và công nhận cô bé này là “hàng độc”. Chiếc áo thiên nga với nỗi đau Trọng Thủy Mỵ Châu trước nợ nước tình nhà đã khẳng định thêm lần nữa tài năng của bé Hồng Quyên, một “cô đào đẹp” trong tương lai. 16 tuổi, xinh xắn, ca hay, vũ đạo tốt, Hồng Quyên nối nghiệp ông bà ngoại Trường Sơn - Thanh Loan và mẹ Tú Sương tự nhiên như mọi thứ đều nằm trong máu. Ngao Sò Ốc Hến, Câu thơ yên ngựa… cũng là những trích đoạn kinh điển giúp các em nắm vững những trình thức biểu diễn trong cải lương, khán giả trầm trồ khen ngợi.
Trích đoạn Chiếc áo thiên nga
|
Bầu Trời Xanh là “sản phẩm” của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ khi chị vừa nhậm chức Phó chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP.HCM. Chị gom 15 em thiếu nhi từ 2-16 tuổi con của các gia đình nghệ sĩ truyền thống cải lương nhiều đời và đều nổi tiếng như Hồng Quyên, Tú Quyên (con của Tú Sương), Thảo Trâm, Thảo Trúc (Thanh Thảo - Điền Trung), Nhựt Đăng (Lê Tứ), Gia Nguyên (Lê Hồng Thắm), Quốc Duy (Minh Hoà), Như Ý (Lý Thu)… Trong đó có những em tuy không nhà nòi cải lương nhưng đã được phát hiện qua chương trình Gương mặt thân quen mà lại có năng khiếu bất ngờ như Huỳnh Nhật Duy, Anh Duy, Gia Bảo, Bảo Nghi.
Đạo diễn Hoa Hạ chủ trương dạy nghề nghiêm túc để các em nối nghiệp gia đình. Theo chị: “Đây là những hòn ngọc đã sẵn cái gen nghệ thuật, chúng ta chỉ chăm chút nữa thôi là đã có một thế hệ giỏi giang. Tôi nhấn mạnh tính chuyên nghiệp, chứ không biến các em thành nghiệp dư. Ngoài đào tạo chuyên môn, chúng tôi còn rèn về đạo đức nữa, để xứng đáng với hai chữ nghệ sĩ”.
Ghé Hội Sân khấu (5B) những ngày cuối tuần sẽ thấy các em học nghề thật kỹ lưỡng. Có thầy Lê Tứ dạy “thanh nhạc” đàng hoàng, hát bài bản đúng thang âm xang, xừ, liêu, xê, cống. Thầy Trung Thảo, Xuân Hiểu dạy vũ đạo, kỹ thuật biểu diễn. Thầy Lê Việt dạy múa dân gian. Kiện tướng xiếc Kỳ Phương dạy nhào lộn… Và các em rất lễ phép, đoàn kết. Hoa Hạ phải tự vận động kinh phí để “nuôi” gánh “cải lương con nít” này, nhưng chị hạnh phúc lắm, và mới một năm hoạt động mà đã có 4 suất gây quỹ từ thiện, quả thật đáng nể.
Bình luận (0)