Người đầu tiên nhận giải thanh tâm
Cuộc đời bà đã được quá nhiều báo chí nhắc đến, chỉ ghi lại những điểm nhấn quan trọng mà thôi. Trong đó có giải Thanh Tâm danh giá, mà bà là người nhận giải đầu tiên với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang.
Lúc nhà báo Trần Tấn Quốc đề xướng giải Thanh Tâm năm 1958, thực sự trong làng cải lương chưa ai hình dung nó quan trọng thế nào. Đến khi xướng tên Thanh Nga được giải thì mọi người mới thán phục. Bởi Thanh Nga dù mới 17 tuổi khi nhận giải nhưng sắc đẹp và nghệ thuật ca diễn đã có tiếng rồi. Thêm nữa, cách tuyên truyền hồi ấy cũng tạo thêm thuận lợi cho Thanh Nga. Đoạn phim lãnh giải được xếp vào phim thời sự chiếu hằng ngày tại các rạp trên khắp miền Nam, khiến tên tuổi Thanh Nga càng sáng chói. Nhưng một số ký giả hồi ấy lại có suy nghĩ ngược, rằng chính Thanh Nga mới làm sáng giá cho giải Thanh Tâm. Nghĩ vậy cũng không phải là vô lý!
Còn một dư luận khác, có vẻ hơi… độc miệng. Họ cho rằng bà bầu Thơ đã bỏ tiền mua giải cho con gái mình. Nhưng nhiều người đã lập luận lại rằng: Lúc đó ông Năm Nghĩa - cha của Thanh Nga bệnh nặng, chạy chữa thuốc thang tốn kém, tiền đâu mà bà bầu Thơ bỏ ra mua giải. Vả lại chưa biết cái giải nó “ngon” cỡ nào, mắc gì phải mua! Nhưng rốt cuộc người ta vẫn tin là tài năng Thanh Nga xứng đáng lọt mắt xanh giám khảo.
|
3 vở kinh điển
Khán giả nhớ Thanh Nga nhờ vào 3 vở tuồng xứng đáng gọi là kinh điển. Tiếng trống Mê Linh là một tác phẩm bất hủ của cải lương. Khi ra đời, Tiếng trống Mê Linh bán vé không kịp, suất nào cũng đông kín rạp. Năm 1978, vở được Đài truyền hình TP.HCM thu và phát sóng. Suốt 10 năm sau đó, vở này cứ phát đi phát lại quanh năm suốt tháng, mà khán giả vẫn ngồi quanh cái ti vi đen trắng xem đến thuộc lòng từng câu từng đoạn. Nhất là bài hát bà Trưng Trắc và ông Thi Sách tiễn biệt nhau cứ bay khắp hang cùng ngõ hẻm: Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề. Khi xa nhau muôn dặm dài nhưng có nhau kề vai trong chinh chiến, dẫu muôn đắng cay chi sờn. Bầu trời Nam u tối, quân thù gieo bạo tàn. Ta vui riêng đâu đành lòng, đem máu xương cùng muôn dân son sắt, nhớ nhau chớ quên câu thề… Đến giờ mỗi khi mở internet nghe lại bài này với giọng trầm buồn của Thanh Nga và Thanh Sang, nhiều người vẫn rơi nước mắt. Thanh Nga diễn vở này dường như không còn là một cô đào nữa, mà thực sự hóa thân vào vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc, làm khán giả không còn phân biệt đâu là diễn nữa.
Bên cầu dệt lụa lại khắc họa một Thanh Nga thùy mị, thủy chung, nhưng cũng kiên quyết và đảm đang vượt khó. Một cô tiểu thư Quỳnh Nga tự lập nghiệp vất vả nuôi người yêu ăn học. Quỳnh Nga là người của thời bình, Trưng Trắc là người của thời chiến. Hai mẫu nhân vật bổ sung cho nhau, cũng là hai mặt của phụ nữ VN.
Đến vở Dương Vân Nga thì Thanh Nga thật xuất sắc, nhưng bà cũng vĩnh viễn ra đi. Trong bối cảnh tình hình biên giới phía bắc căng thẳng, những câu ca lời thoại đanh thép của Thái hậu Dương Vân Nga đã làm mọi người sục sôi khí thế. Nhưng diễn được suất đầu tiên, đêm 26.11.1978 hai vợ chồng Thanh Nga bị bắn trước cửa nhà. Xe cấp cứu chở đến bệnh viện bà mới trút hơi thở, còn ông Duy Lân chồng bà thì đã chết. Khán giả sững sờ, rồi sau đó khóc như mưa. Đám tang Thanh Nga lớn chưa từng có. Đường phố chật cứng dòng người và dòng xe đưa tiễn linh cữu bà.
Trước đó, tháng 3.1978 khi đang diễn Tiếng trống Mê Linh thì một quả lựu đạn ai đó quăng lên sân khấu khiến 2 nhạc công chết và Thanh Nga bị thương, kèm theo những thư nặc danh cảnh cáo. Do ảnh hưởng của Thanh Nga quá lớn, sau đó các đoàn đua nhau dựng lại Dương Vân Nga với nhiều cô đào khác thay thế, như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Kim Hương.
Khép lại một tài hoa xuân sắc 36 tuổi, bà còn trẻ mãi, đẹp mãi trong lòng mọi người đúng như câu nói vô tình mang điềm báo mà bà đã nói với em trai là nghệ sĩ Bảo Quốc: “Chị muốn mình đừng có già, cứ trẻ đẹp hoài trên sân khấu”.
Bình luận (0)