Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 2

Hoàng Kim
Hoàng Kim
15/07/2023 07:34 GMT+7

Doanh thu của đoàn Sài Gòn 1 đã được dùng để thành lập đoàn Sài Gòn 2, và đoàn này cũng làm nên nhiều tác phẩm để đời.

Giống như Sài Gòn 1, đoàn Sài Gòn 2 cũng dựng tuồng cũ quen thuộc với khán giả, sau đó mới mạnh dạn dựng tuồng mới. Cho nên vở cải lương khai trương cho Sài Gòn 2 là Lỡ bước sang ngang của soạn giả Hoàng Khâm viết chung với Thu An. Thật ra đây là tuồng của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã diễn hồi năm 1960, nay Sài Gòn 2 dựng lại với thành phần nghệ sĩ thay đổi, như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Văn Chung, Diệp Lang, Thanh Điền, Tư Rọm, Tô Kiều Lan, Thoại Miêu, Tài Lương… Khán giả mua vé cũng nườm nượp y như hồi Sài Gòn 1 ra đời.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 2  - Ảnh 1.

NSND Giang Châu trong vai Thừa, vở Tiếng hò sông Hậu

TƯ LIỆU

Thừa thắng xông lên, Sài Gòn 2 dựng liên tiếp các vở Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa… Lúc này lực lượng nghệ sĩ tăng cường càng mạnh hơn, với Mỹ Châu, Hồng Nga, Phương Quang, Giang Châu, Ngọc Bích, Tuấn Thanh… Khán giả từng mê mệt Mỹ Châu trong vai cô Hiếu, một nhà tình báo cách mạng trà trộn vào hàng ngũ giặc dưới vỏ bọc vũ nữ, chịu nhiều tai tiếng, bị xóm làng khinh rẻ. Mỹ Châu đẹp hút hồn và nét trầm trầm bí ẩn của chị rất phù hợp với nhân vật tình báo. Khách sạn hào hoa là vở "trinh thám" hiếm hoi của làng cải lương, hội tụ đầy đủ yếu tố hấp dẫn, hồi hộp, nhưng cũng không thiếu tính trữ tình, hài hước. Cần nói thêm về soạn giả Trần Hà, ông vốn người Sóc Trăng, theo kháng chiến chống Pháp, công tác trong ngành công an, rồi được chuyển sang công tác binh vận, chọn nghề cầm bút làm vỏ bọc. Nhưng không ngờ ông có tài năng, viết nhiều vở cho đoàn Kim Chung, Kim Chưởng, Thủ Đô, Dạ Lý Hương… mà nổi tiếng nhất chính là Bóng hồng sa mạc với giọng ca Tấn Tài bất hủ. Sau 1975, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sân khấu TP.HCM và làm cán bộ

Sở VH-TT TP.HCM từ 1976 - 1993, vì uy tín nên ông được giữ lại đến 1997 mới chính thức về hưu.

Vở Tìm lại cuộc đời cũng là một dấu son của Sài Gòn 2, đưa nghệ sĩ Thanh Tuấn và Ngọc Bích, Giang Châu lên đỉnh cao mới trong lòng khán giả. Thanh Tuấn trong vai đại úy Huy Bình đẹp trai, cao lớn, phong độ, ca hay xuất thần, nhấn nhá câu nào cũng rụng tim người nghe. Còn Giang Châu thì có kiểu ca nhấn nhá khác, cực kỳ độc đáo trong vai Hùng, thương phế binh hận đời. Ngọc Bích quả là một viên ngọc của cải lương, vai Hương của bà đẹp u buồn man mác, như một nỗi ám ảnh của số phận.

Giang Châu và Ngọc Bích lại tiếp tục tỏa sáng với Tiếng hò sông Hậu. Đặc biệt Giang Châu vai anh nông dân tên Thừa người Khmer lúc nào cũng mang tính phản kháng, luôn đối đầu với ông Hội đồng Dư, và câu nói của anh Thừa đã đi vào dân gian: "Xộ cái quá mạng!". Khán giả cười rần rần, còn Giang Châu trở thành một nghệ sĩ hài bất ngờ. Chất hài này tiếp tục được khai thác khi sau này Giang Châu được điều quay về đoàn Sài Gòn 1 đóng vai Trùm Sò trong vở Ngao Sò Ốc Hến. Phiên bản trước có Thành Được, Phượng Liên, Bảo Quốc…nhưng phiên bản sau có Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Nam Hùng, Tô Kim Hồng… thì Giang Châu đã thêm một vai để đời xuất sắc.

Trong Tiếng hò sông Hậu, Diệp Lang cũng có một vai hay là Hội đồng Dư, cộng với vai Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu) khiến ông "chết danh" là ông Hội đồng, đi đâu bà con cũng kêu "ông Hội đồng". Còn Hồng Nga vai bà Tư Hậu mù lòa, nhớ chồng nhớ con, đã làm khán giả khóc như mưa. Những câu vọng cổ "Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…Buôn bán không lời mà chèo chống mỏi mê…" đã đi vào ký ức khán giả, gợi hình ảnh miền sông nước đẹp não nùng. Đây là một trong những vai bi xuất sắc của Hồng Nga, trong khi bà vẫn nổi tiếng là "nữ quái" diễn hài.

"Hạnh phúc nhất là chúng tôi đã làm được những vở tuồng hay. Hình như đó cũng là giai đoạn mà tuổi đời, tuổi nghề của thế hệ chúng tôi đều chín muồi, sung sức nhất."


NSND Diệp Lang

Sài Gòn 2 ghi nhận công lao rất lớn của nghệ sĩ Diệp Lang. Ông được giao làm phó đoàn phụ trách nghệ thuật, ban ngày tổ chức tập tuồng, ban đêm lại thức để biên tập kịch bản. Ông quá say nghề, cứ làm việc không kể giờ giấc, sức khỏe, đến nỗi hai mắt lòa đi, tưởng sắp mù. Bà Thu Phong vợ ông khi ấy vừa một nách nuôi con, vừa sát cánh bên chồng phụ đánh máy, góp ý (bà vốn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn), không than van một tiếng. Nhờ vậy ông đã làm nên hàng loạt vở diễn hay cho đoàn và có được hàng loạt vai diễn để đời cho bản thân mình. Chỉ khi bệnh tình nặng quá thì ông mới xin thôi công tác quản lý mà chuyên tâm vào nghệ thuật biểu diễn.

Phải nói thêm là thời đó lương diễn hằng đêm rất ít, nên dù vé bán nhiều thì cũng nộp doanh thu về Sở, nghệ sĩ phải tự xoay xở cho gia đình. Nhiều trưởng phó đoàn như Diệp Lang, Thanh Điền phải nghĩ ra cách hỗ trợ nghệ sĩ bằng cách cho mấy cặp vé để anh em bán ra chợ đen, kiếm thêm thu nhập. Diệp Lang nói: "Chứ ăn bo bo làm sao hát nổi. Rồi còn con cái nữa. Chưa kể cái nghề chúng tôi cần son phấn, quần áo, tốn kém lắm. Thôi thì mình giúp anh em được bao nhiêu hay bấy nhiêu trong khả năng của mình, xem ra cũng không phạm pháp gì. Hạnh phúc nhất là chúng tôi đã làm được những vở tuồng hay. Hình như đó cũng là giai đoạn mà tuổi đời, tuổi nghề của thế hệ chúng tôi đều chín muồi, sung sức nhất". Và dù trong cảnh nghèo Diệp Lang vẫn sống tử tế khiến anh em thương quý mãi.

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.