Cải lương tập thể một thời vang bóng: Mô hình mới, kỳ tích mới

Hoàng Kim
Hoàng Kim
13/07/2023 06:59 GMT+7

Nói đến cải lương với những thời kỳ vàng son rực rỡ, thì không thể không nhắc đến những đoàn "cải lương tập thể" hình thành sau năm 1975.

Những đơn vị này đã làm nên một giai đoạn tuyệt đẹp cho cải lương, dẫu bây giờ những bảng hiệu đó đã lui vào dĩ vãng nhưng trong ký ức khán giả vẫn còn dấu ấn khó phai mờ.

Trước 1975, cải lương, kịch nói, phim ảnh đều hoạt động với sự điều hành của các ông bà bầu tư nhân. Rất nhiều gánh hát lừng lẫy như Huỳnh Kỳ, Thanh Minh - Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng, Tân Thủ Đô - Tấn Tài, Thành Được - Út Bạch Lan, Thống Nhất - Út Trà Ôn, Việt Nam - Minh Vương, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Minh Tơ, Huỳnh Long… Chính những nơi này đã làm nên nhiều ngôi sao sáng chói mà bây giờ được mệnh danh là "thế hệ vàng" như Út Trà Ôn, Phùng Há, Năm Châu, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Thanh Nga, Thanh Sang, Tấn Tài, Minh Cảnh, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Minh Vương, Minh Phụng, Ngọc Hương, Ngọc Bích, Thanh Tuấn, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Diệu Hiền, Diệp Lang, Hùng Minh, Hoàng Giang, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Phương Quang, Thanh Tòng, Thanh Thanh Hoa, Đức Lợi, Bạch Mai, Thanh Thế, Bửu Truyện, Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến…

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Mô hình mới, kỳ tích mới - Ảnh 1.

NSƯT Hùng Minh và NSƯT Thanh Nguyệt trong vở Bóng tối và ánh sáng

H.K

Sau 1975, đất nước thống nhất, xã hội bước vào một giai đoạn mới, hoạt động cải lương cũng có nhiều thay đổi. Các đoàn tư nhân không hoạt động như trước nữa, đành xếp bảng hiệu, xếp xác gánh lại, ngồi chờ thời. NSND Lệ Thủy tâm sự: "Lúc đó nghệ sĩ chúng tôi rầu lắm, vì không biết nhà nước cho hát hò như thế nào. Không cho hát chắc chết đói, chứ ngoài nghề ca hát chúng tôi đâu biết làm thứ gì". Nghệ sĩ và ông bà bầu đành lấy tiền dành dụm ra xài cầm cự, chỉ khổ cho những nghệ sĩ không nổi tiếng và nghèo, không có tiền dành dụm nên xoay xở rất khó khăn. NSND Diệp Lang kể: "Tôi và một nhóm anh em nghệ sĩ trước 1975 bị bắt quân dịch, chỉ lén ra hát chui vào cuối tuần, nên dù được giải Thanh Tâm, đã nổi tiếng rồi đó, nhưng tiền cũng không bao nhiêu, phần gửi cho gia đình, phần lo lót cho chỗ đang đóng quân, cũng hết sạch. Chỉ mừng là chúng tôi được giải ngũ, cứ trở về cuộc sống bình thường rồi tính sau".

Tình hình buồn bã đó kéo dài mấy tháng, mà nghệ sĩ Sài Gòn đã cảm giác "dài dữ lắm", bởi trước kia sân khấu hoạt động tưng bừng hằng tuần, cứ tới đêm thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật là gần 40 cái rạp trong nội thành sáng đèn rực rỡ, loa loa bán vé rộn ràng, chưa kể các đoàn còn đi tỉnh suốt. Khán giả cũng nhớ cải lương "như điên", vì cái máu Sài Gòn đã quen thưởng thức văn nghệ, quen tung tẩy cuối tuần, mà cải lương là món yêu thích nhất. Cải lương im hơi lặng tiếng thực sự là một tình trạng "vô cùng khó chịu"!

Tới đầu năm 1976, ông Năm Triều (Huỳnh Kim Thạch) đang là Trưởng ty Văn hóa (tương đương Giám đốc Sở VH-TT bây giờ) cùng với ông Tư Trương (Trương Bỉnh Tòng - sau này là Phó giám đốc Sở VH-TT), ông Sáu Chiến (Rum Bảo Việt, cán bộ Sở) ngồi bàn với nhau: "Phải cho hát hò lại thôi. Nghệ sĩ đông quá trời, ngồi không buồn lắm. Bây giờ tập hợp lực lượng, hát chỉ lấy tiền xăng". Nhất trí xong, ban hành văn bản làm ngay. Nghệ sĩ được mời lên Sở, nghe được chủ trương, mừng thôi là mừng. Kệ, tiền nong tính sau, cả nước đang khó khăn, được hát đã là may mắn. Nghệ sĩ Hoàng Giang có kể: "Chúng tôi là những con tằm, phải được nhả tơ thì mới sống nổi. Thà nhả tơ xong mà chết ngay trên sân khấu cũng được. Chứ ngồi không, ngưng nghề, chính là chết dần chết mòn. Nghe nói được đi hát trở lại chúng tôi như hồi sinh". Đó là cơ duyên đưa đến việc thành lập đoàn cải lương tập thể đầu tiên, và cũng là hình thành mô hình đoàn cải lương tập thể cho cả TP.HCM.

Phải nói thêm một chút về mô hình "đoàn cải lương tập thể". Lúc đó, chỉ có đoàn Văn Công từ chiến khu ra là đoàn cải lương quốc doanh duy nhất, nghệ sĩ, nhân viên có biên chế lương, nhưng mới khởi động làm quen với môi trường mới, môi trường của khán giả Sài Gòn. Còn các đoàn tư nhân đã rã gánh, có người đi vượt biên, có người treo gánh chờ lệnh nhà nước. Giờ thành lập đoàn tập thể thì làm thế nào? Hình thức chính vẫn là tự thu tự chi. Nhưng nếu trước kia ông bà bầu phải ký hợp đồng với nghệ sĩ với giá cao ngất ngưởng (có khi lên tới cả chục, cả trăm cây vàng), rồi phải phát lương tháng, lại còn phát cát sê mỗi đêm diễn, còn lo cơm hội (nấu cơm miễn phí ngày 3 bữa cho tất cả thành viên), thì đoàn tập thể chỉ còn nhiệm vụ lo cơm hội và phát cát sê mỗi suất, xem ra nhẹ bớt gánh nặng. Trưởng đoàn thì do Ty Văn hóa (sau đổi thành Sở VH-TT) đưa cán bộ về, ông bà bầu giữ chức phó đoàn. Mọi hoạt động đều được quản lý, từ khâu kịch bản, tập tuồng, thu chi… Doanh thu thì nộp lên Sở, rồi Sở sẽ chi lại cho đoàn hoạt động, y như kiểu chi ngân sách. Nghệ sĩ thì chia cấp A, B, C để lãnh cát sê. Cho nên dùng hai chữ "tập thể" là ý nói do tập thể quản lý, không phải quốc doanh cũng không phải tư nhân.

Với mô hình mới này, cải lương tiếp tục làm nên những kỳ tích, những vở diễn tuyệt vời! (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.