Cải lương tìm đường phát triển

19/12/2010 23:59 GMT+7

Hầu như mọi người đều thất vọng vì không tìm được lời giải cho nỗi ưu tư của cải lương trong buổi hội thảo Sân khấu cải lương - giữ gìn và phát triển trong tình hình mới do Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND, Sở VH-TT-DL và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vào ngày 18.12 tại TP.HCM.

Thực sự, trong nhiều đại biểu, chất nghiên cứu, lý luận quá đậm đặc, mà thiếu một thực tiễn sinh động. Lẽ ra phải cần nhiều tiếng nói hơn của những người thật sự đang làm nghề, đang cọ xát, đang theo dõi đời sống cải lương... Thậm chí, ý kiến của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, xem họ muốn gì, cần gì, để cung ứng cho họ.

Tác giả Lê Duy Hạnh luôn khẳng định muốn cứu cải lương phải có một chiến lược đồng bộ, quy mô, chứ không phải những chiến thuật, những việc làm rời rạc của từng khâu như tác giả, đạo diễn, diễn viên, rạp, âm nhạc, kỹ thuật... Nhưng chiến lược đó ai đề ra, ai soạn thảo, thì không thấy. Nghĩa là thiếu nhạc trưởng cho cả dàn nhạc. Vì vậy mỗi người chỉ xoáy vào một vài khâu, tùy theo công việc cụ thể của người đó.

Phải giáo dục lớp trẻ, nhất là sinh viên đại học, về âm nhạc dân tộc. Các em có hiểu, có tiếp cận thì mới sinh lòng yêu mến

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong

Tuy nhiên, dù chưa đầy đủ, nhưng những đề đạt đó nếu ráp lại, nếu làm tử tế thì cũng tạo nên một sự đồng bộ nhất định cho cải lương chứ không phải vô ích. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Hoa Kỳ tại VN) nhấn mạnh: “Phải giáo dục lớp trẻ, nhất là sinh viên đại học, về âm nhạc dân tộc. Các em có hiểu, có tiếp cận thì mới sinh lòng yêu mến”. Nghệ sĩ Thanh Vân (Nhà hát Cải lương Hà Nội) thì “đòi” phải dạy các em ngay từ tiểu học, chứ đợi tới lớn coi như đã hấp thụ bao thứ khác, xa rời cải lương lắm rồi. NSƯT Bạch Tuyết yêu cầu có vài buổi dạy lịch sử cải lương trong nhà trường. Nghĩa là chú trọng khâu đào tạo khán giả để “cầu” tăng lên thì “cung” mới không bị ế.

Nhưng “cung” như thế nào để phù hợp thời đại? Cách tân hay không cách tân là một vấn đề bàn cãi khá sôi nổi. GS Hoàng Chương (Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc) nói: “Chưa cần phải làm mới, chỉ cần phát huy cái vốn sẵn có đã là khá rồi. Truyền thống của ta tuyệt vời, ta đã giới thiệu cho lớp trẻ hết đâu!”. Ông Đỗ Kỷ (Cục Biểu diễn nghệ thuật) yêu cầu bớt đi đề tài lịch sử, mà chú ý đề tài hiện đại, mang hơi thở cuộc sống thì mới gần gũi người xem. Có vị lại khó chịu khi cải lương đổi mới bằng những thể nghiệm xa lạ, lai căng, chẳng hạn đem cây đàn organ vào dàn nhạc, phá vỡ cái âm sắc mộc mạc mà lung linh quyến rũ của tranh, bầu, kìm, cò... TS Nguyễn Thị Minh Thái chua chát: “Các khóa đào tạo trong trường sân khấu chuyên nghiệp đừng nên máy móc nữa! Phải dựa vào các lò cổ nhạc, các câu lạc bộ đờn ca tài tử thì mới tìm được nhân tài”.

Cuối cùng, vẫn đọng lại câu hỏi: “Cải lương tồn tại hay chết?”. Đạo diễn Giang Mạnh Hà thẳng thắn: “Sống giữa thời đại kỹ thuật số thì chúng ta phải chấp nhận sự thật là tất cả các loại hình nghệ thuật dân tộc đều bị thử thách. Nhưng suy cho cùng, cải lương vẫn có sức sống mạnh mẽ hơn chèo và tuồng nhờ tính dung nạp rất rộng của nó”. Tuy nhiên, vẫn phải chấp nhận lui về “đánh du kích” như lời của soạn giả Ngô Hồng Khanh, khi bị các loại hình khác xâm lấn quá mạnh. Và “hình thức của nó là đờn ca tài tử, có thể len lỏi vào sâu trong quần chúng”. Nghĩa là, cần chăm chút cho đờn ca tài tử nhiều hơn.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.