(TN Xuân Nhâm Thìn) “Cái áo bông sột soạt em ạ, cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá, vừa đi vừa sột soạt. Anh là “cán sự” văn hồi phổ thông, chả hiểu sao gọi là thế. Anh đi thu bài của bạn bè nộp cho thầy, có thế thôi, gọi là cán sự.
Hôm ấy đi khắp lớp, vừa đi vừa sột soạt, cả lớp cười bò, ngượng thật. Mẹ được lão bộ đội già tặng xấp vải lính, chắc định “cưa” người mẹ nguyện suốt đời ở giá nuôi anh. Mẹ may cái vỏ áo bông mà không có bông. Trong đó mẹ nhét đầy báo Nhân Dân, Hà Nội Mới. Chắc ngày ấy chỉ có 2 tờ thế thôi em giai nhỉ”. Đấy là một đoạn thư nhạc sĩ Trần Tiến gửi cho mình, sau này mình gom thành loạt bài Ngẫu hứng Trần Tiến, được rất nhiều người khen. Nguyễn Trọng Tạo đùa, nói văn Trần Tiến là văn sột soạt. Chuyện này khi khác có dịp mình sẽ kể.
Thời Trần Tiến cũng là thời của mình, gọi là thời bao cấp. Mình cũng có cái áo bông như thế, nhưng không lót báo, mạ mình bện rơm thành tấm lót vào, áo bông của mình không sột soạt nhưng nặng trịch, lại bó cứng, đi lại rất khó khăn. Nhưng đánh nhau rất sướng, mình cứ đứng ưỡn ngực cho tụi nó đấm mỏi tay, không việc gì sất. Khổ nỗi nó là cái ổ rận, cứ khoảng một tuần mạ mình lại bện rơm mới thay vào, nếu không rận cắn không ngủ được, không học được. Có hôm ngứa quá mình cởi áo rũ một cái, cả đám rận bò lổm ngổm giữa nền nhà. Nhớ lại mà kinh.
Thế là oách chán. Nhiều đứa khoác chăn chiên, bao bố đi học. Nhiều đứa đến chăn chiên bao bố cũng không có, chúng nó lấy thùng giấy đục lỗ làm áo, khoác vào trông hệt như ông bù nhìn ở ruộng ngô, rất thảm. Thằng Tuân có cái áo như thế. Một lần đi học về gặp mưa, cái áo của nó ướt sũng, rã ra từng đám. Trông nó giống hệt con trâu ghẻ, rất ghê. Lần khác đang ngồi trong lớp, chẳng biết đứa nào nghịch xòe diêm đốt. Cái áo xịt khói, thằng Tuân hãi quá chạy tứ tung trong lớp, vừa chạy vừa la hét như người cuồng. Tụi mình lấy nước tấp vào người nó, cái áo dúm lại, bệt vào người nó, dần rã ra từng lớp. Nó đứng giữa lớp khóc tu tu, nói mạ tau không có tiền mua hộp giấy nữa rồi. Cô Ngoan nghe vậy bật khóc, cứ ôm ghì lấy nó không nói được một lời nào.
Tối qua xem phim Ấn Độ Cô gái đi giày bata, chợt nhớ mình mơ có đôi giày bata từ thuở lên mười, mãi đến khi vào lính, lĩnh tháng lương thiếu úy đầu tiên mới có được đôi giày trong mơ. Nào có nhiều nhặn gì đâu, giày bata nội chỉ 20 đồng (khoảng 200 ngàn bây giờ). Lương thiếu úy được 65 đồng, lãnh lương xong mình mua lít rượu Vân chạy về nhà Phùng Quán tặng anh. Đêm ngủ ở nhà anh Quán mình thao thức mãi, không biết có nên bỏ ra 20 đồng mua đôi giày mơ ước hay không, còn bao nhiêu thứ phải chi. Cuối cùng mình tắc lưỡi mua liều, chạy về chìa chân trước mặt cái Quyên con gái anh Quán, nói từ khi anh mua đôi giày này em có thấy con lợn nào chạy qua đây không. Cái Quyên cười ngất, nói bố mẹ ơi, ra mà xem ông thiếu úy đẹp chai thức trắng đêm mới quyết định mua đôi giày bata đây này.
Con nít quê mình đến trường đều đi chân đất, thời đấy đến dép cao su cũng không kiếm được. Đứa được ba mạ cắt lốp ô tô làm cho đôi dép mới, đến lớp mặt cứ vênh vênh như là đang đeo đôi giày vàng, suốt ngày chạy đi rửa chân. Đứa nào nhỡ giẫm lên chân, lập tức ôm chân nhau nhăn nhó. Nó không sợ đau chân, chỉ sợ đau dép, hi hi.
Ở tuổi hai mươi mình cũng vậy chứ đừng nói con nít. Chẳng hiểu thế nào ngày sinh nhật có cô gái khoa Hóa mình quen sơ sơ tặng mình đôi dép nhựa Tiền Phong. Cô bé này nói cười nhí nhảnh nhưng không xinh lắm, mình không mấy để ý. Lâu lâu gặp cô ở nhà ăn số 4, được cô rủ ăn cùng mâm, vừa ăn vừa tán phét đôi ba câu, xong rồi về, thế thôi. Không ngờ cô bé nhớ ngày sinh nhật của mình. Buổi chiều thứ bảy mình đi đá bóng về, anh bạn cùng phòng cười cười nhìn mình, nói hôm nay sinh nhật mày à. Mình ngạc nhiên nói mày cũng nhớ sinh nhật tao à. Nó cười khì, nói tao nhớ sinh nhật mày làm cái gì, điên à. Con gì khoa Hóa tặng quà sinh nhật mày đây này. Nó cầm cái bọc báo đưa mình, mở ra thấy đôi dép nhựa Tiền Phong, trời đất ơi, ngây ngất con cà cưỡng. Mình chạy ù đi tìm cô bé cảm ơn, hôm đó thấy cô bé sao mà xinh thế không biết, hi hi.
|
Cái thời “một yêu anh có may ô, hai yêu anh có cá khô để dành…”, anh nào mặc áo bay Liên Xô quần bò Thái, chân đi dép nhựa Tiền Phong, đầu đội mũ cối Trung Quốc, tay đeo đồng hồ Seiko, đi xe đạp Diamond hay Sputnik, thỉnh thoảng xổ ra đôi câu tiếng Nga là lập tức thành hot boy, đảm bảo tán gái trăm trận trăm thắng.
Xưa mình quen được một cô cực xinh học Đại học Sư phạm, háo hức quơ được cô này, đánh đu với nàng suốt cả tháng trời. Tưởng là cắn câu rồi, chẳng dè một ông phun thuốc sâu (phó tiến sĩ) vừa về nước được năm ngày đã nẫng tay trên của mình mất. Tiếc đứt ruột nhưng đành phải rút lui không điều kiện. Thằng cha này có đủ bộ từ chân lên đầu, mình chỉ có đôi dép Tiền Phong, đấu sao lại được nó, ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn.
Ba tháng sau mình như người trúng xổ số, mấy ông anh đi học Liên Xô về, đi bộ đội từ Nam ra, buôn lậu ở Lào sang cho mình đủ bộ, từ dép tông Lào mũ cối Trung Quốc đến đồng hồ Seiko, xe đạp Sputnik. Thật sướng hơn tiên. Mình ở chung phòng xép với anh Mạc, nó nằm đầu hồi, giữa lưng chừng tầng hai với tầng ba, vốn là nhà kho hay phòng bảo vệ chi đó. Anh Mạc nói thấy mình có bộ đồ nghề tán gái tân thời thì sướng lắm, nói từ ngày mày có bộ đồ nghề hoành tráng, phòng hai anh em mình sang hẳn lên. Thằng em chiếu cố cho ông anh, tao mượn thứ gì đi tán gái đừng có viện cớ chối tao nhé. Mình hơi bị nóng ruột nhưng vẫn rặn cười, nói xong ngay, chật bụng chứ chật chi đồ. Hi hi.
Cũng vừa lúc nàng vừa cho anh chàng phun thuốc sâu rớt đài. Mình khoác toàn bộ vũ khí tán gái hoành tráng phi lên Đại học Sư phạm, mắt nàng sáng lên hình viên đạn. Nàng chỉ ngúng nguẩy em chã em chã đôi ba lần rồi đổ cái rầm, he he. Anh Mạc về quê, mình rủ nàng đến phòng mình chơi, âm mưu đen tối rành rành nhưng nàng lờ đi cho, đồng ý ngay tắp lự, hẹn trưa đến. Mình đi tắm, trong nhà mất nước, mình xuống bể tắm dưới sân nhà, vừa tắm vừa hát hò như thằng điên. Mấy thằng tắm cùng ngạc nhiên lắm, nói mày vào cầu cái gì mà tởn thế. Tính khoe nhưng thôi, khoe với lũ đẹp trai này khác gì đưa trứng cho ác, hi hi.
Tắm táp thoải mái, mình lên phòng, và sững người, cánh cửa bị bẻ khóa mở toang hoác, toàn bộ tư trang vật dụng của mình và anh Mạc không cánh mà bay. Lần đầu bị mất cắp, lại mất sạch sành sanh, đau quá là đau. Mình đứng chết giấc giữa phòng, không thể tin nổi.
Buổi trưa nàng đến, trố mắt thấy mình ngồi như một con chó đói, trọc lóc cái quần cộc trong người. Nàng hỏi sao thế anh. Mình trương mắt nhìn nàng chẳng biết nói sao, chưa bao giờ mình thảm hại đến như thế. Nàng ngồi với mình chừng mười phút rồi về, từ đó không bao giờ trở lại, giá nàng trở lại mình cũng bỏ chạy, bởi vì mình đã lộ nguyên hình ông bần cố nông trên răng dưới ca tút, hi hi. Rõ là của thiên trả địa, xong om mối tình nửa nắng, hu hu.
Nguyễn Quang Lập
Bình luận (0)