Cái Mép hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn sau khi được xây dựng

11/10/2018 08:00 GMT+7

Dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép hạ gồm hai phần: Trung tâm logistics Cái Mép hạ có tổng diện tích 1.200 ha và cảng tổng hợp container Cái Mép hạ có diện tích 86,6 ha.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải hỗ trợ hướng dẫn Tập đoàn Geleximco thực hiện thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất để thực hiện dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép hạ.
Cụ thể, đối với Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép hạ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hướng dẫn Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Sau khi có văn bản của VPCP, đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Geleximco cho biết: "Thực hiện chủ trương của Chính phủ về quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, Tập đoàn Geleximco sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát và phát triển dự án cảng nước sâu Cái Mép tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với hiệu quả kinh tế cao, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh".
Theo đó, Geleximco sẽ phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; Hợp tác phát triển và đầu tư mới hệ thống logistics trong nước nhằm phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại. Không chỉ mang lại hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, xã hội hóa phát triển logistic sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh đẩy mạnh chất lượng dịch vụ; hướng đến xây dựng hệ thống cảng biển với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ vận tải, logistics chuyên nghiệp, hiện đại trên quy mô cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất là với sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp trong nước như Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương, cụm cảng Cái Mép hạ hứa hẹn sẽ là điểm tập kết xuất nhập khẩu cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistic của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thống kê mới đây của Hiệp hội DN logistics Việt Nam cũng cho thấy, cả nước hiện có khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16-20%, logistic là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao.
Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), điểm yếu của các Doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các Doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59-60%. Chi phí logistic hiện đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhu cầu bức thiết hiện nay là cần nhanh chóng có biện pháp giảm chi phí này, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.