'Cai nghiện' cà phê

05/11/2018 15:41 GMT+7

Ngoài cà phê , đường, lý do tiếp theo làm hại năng suất làm việc trong cả tuần của chúng ta, chắc không ai bất ngờ, đó chính là mạng xã hội.

Tôi nhớ khoảng thời gian đi lính ở sa mạc miền nam Afghanistan. Ở đó không có gì ngoài cát. Không internet, không điện thoại, thậm chí không có nổi một cuốn sách để đọc. Nhiệm vụ của tôi là quan sát thung lũng bên dưới. Mỗi ngày tôi chỉ nhìn những đống cát, chỉ có sự nhàm chán. Cực kỳ chán luôn.
Tôi đã rất bất ngờ vì đây là thời điểm tôi viết hay hơn bao giờ hết. Viết lách khi đó rất dễ với tôi. Tôi có thể tập trung mấy tiếng mỗi ngày, không bao giờ thấy mệt hay chán. Những câu chuyện tôi viết được các bạn trong nhóm thích thú, mỗi tối họ rọi đèn pin để đọc và thuyết phục tôi viết tiếp.

Đấy là chuyện của 12 năm về trước. Còn giờ đây, tôi thường xuyên hỏi mình tại sao không làm việc chất lượng như xưa. Gần đây tôi cố gắng làm việc nhiều hơn, viết nhiều hơn, dự định viết năm bài mỗi tuần. Nhưng sau hai tuần, tôi chỉ được vỏn vẹn hai bài. Tôi cố gắng tập trung bao nhiêu, càng bị mất tập trung bấy nhiêu.
Flow, tiếng Việt là nghĩa là “Dòng chảy”, là khái niệm của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi.
“Dòng chảy” là trạng thái tâm trí hoạt động, mà trong đó, người đó thực hiện một hành động “nhúng ngập” trong dòng cảm xúc xuyên suốt, tập trung nguồn năng lượng một cách toàn vẹn và tận hưởng cả quá trình diễn ra hành động đó. Khi mình có được “flow”, mình có thể tập trung đến mức quên thời gian. Thỉnh thoảng khi đang viết bài trong một “dòng chảy”, tôi giật mình nhìn đồng hồ, đã hai ba tiếng trôi qua mà tôi không để ý.
Nhưng, nó không thường xuyên như tôi mong muốn. Tôi ráng học thiền, học rất nhiều thứ, nhưng vẫn không thể điều khiển được bản thân. Rất bực bội. Mấy tuần trước, tôi mua một cuốn sổ nhỏ, cứ mỗi lần mất tập trung trong giờ làm việc thì ghi lại và nêu rõ lý do tại sao.
Điều quan trọng tôi phát hiện ra, thủ phạm khiến tôi bị mất tập trung là cà phê và đồ ngọt. Tôi đã rất bất ngờ, vì tôi luôn nghĩ chúng là những thứ giúp tôi tập trung tốt hơn.
Để biết tại sao cà phê và đường có thể gây ảnh hưởng tới cơ thể, thì chúng ta phải hiểu về cách chúng kích thích não của mình. Ví dụ, khi bụng hết đồ ăn, lượng đường trong máu thay đổi, một hormone tên là Grelin gửi tin nhắn đến bộ não, bảo mình ăn đi. Thì khi ngồi lâu viết bài, bụng đói, hormone “gõ cửa” và bảo “Hello? Tôi muốn ăn!”, làm tôi mất tập trung, đứng dậy đi kiếm đồ ăn.
Khi có thói quen uống cà phê, đặc biệt là 3, 4 ly mỗi ngày như tôi, thì Caffeine trong cà phê sử dụng một hormone khác, Dopamine. Nó “gõ cửa” tôi hoài.
Đường là “bạn thân” của cà phê, cũng là kẻ thù lớn nhất với sự tập trung của tôi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đường có thể gây nghiện. Có lẽ tôi không cần nói thêm, vì rất đơn giản, bạn gõ một chữ vào mục “tìm kiếm”, sẽ có vô số thông tin cho bạn đọc.
Để làm việc hiệu quả chắc phải tránh xa mạng xã hội Jesse
Lý do tiếp theo làm hại năng suất của chúng ta, chắc không ai bất ngờ, đó là mạng xã hội. Vậy nên tôi xóa Facebook, Instagram và Twitter khỏi điện thoại.
Trong một thời gian ngắn, Internet đã trở thành cái tên mà con người giờ đây gần như là không thể nào sống vui vẻ nếu thiếu nó. Ta có thể gọi bất cứ loại đồ ăn gì vào lúc nào, mua các loại đồ đạc từ hầu hết mọi nơi trên thế giới, nếu cô đơn có thể trò chuyện với rất nhiều người.
Câu trả lời của vấn đề không “flow” được chính là vì chúng ta dễ dàng được giải trí bất cứ lúc nào. Nên, tôi phải cố tình làm mình chán, và chịu đựng cảm giác đó.
Bài học này tôi đã từng chỉ cho một người bạn, một người Úc đang sở hữu một công ty du lịch. Ông ấy đến thăm tôi và than thở bị nghiện mạng xã hội. Mỗi sáng thức dậy là phải kiểm tra tin nhắn, tối ngủ trễ cũng là vì xài điện thoại. Tôi rủ ông ấy đi cắm trại trên núi, không mang điện thoại. Với tôi, sau chuyến cách xa thành phố, tất cả những điều mình thích trở thành bình thường, chỉ thèm một chút đồ ăn ngon và một cái giường êm ái. Nhưng với ông bạn thì khác, sau ngày đầu tiên, ông đã muốn bỏ cuộc về thành phố tìm điện thoại ngay lập tức.
Những năm tháng sống ở Sài Gòn, tôi tự thiết kế cho mình một môi trường phù hợp để tập trung viết lách, giữ tinh thần thoải mái và từ bỏ những thói quen xấu. Hơn nữa, tôi nghiên cứu được rằng thiền là cách tốt nhất cải thiện sự tập trung. Thiền là một bài tập cho bộ não của mình, đặc biệt là cho vỏ não trán trước - khu vực chịu trách nhiệm về khả năng tập trung. Mình “tập thể dục” cho vùng não đó nhiều thì nó sẽ lớn hơn. Tôi thiền một cách rất kỷ luật từ 3 năm trước, thử rất nhiều kiểu, chỉ vì tôi muốn được “flow”.
Đường, cà phê vẫn đang được bán đầy các cửa hàng, siêu thị, quá thuận tiện. Và tôi biết nếu tôi muốn tập trung viết hay như thời còn ở sa mạc Afghanistan, thì đã đến lúc tôi phải chống lại những thứ hay “gõ cửa” não tôi và tận hưởng những điều đơn giản trong cuộc sống.
Hôm nay là thứ hai, bạn có can đảm thử thay đổi thói quen nghiện đường, cà phê, mạng xã hội và cả những đồ ăn xấu, để có một tuần sống và làm việc chất lượng hơn?
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.