Đã không ít lần, khi các đêm nhạc cổ điển tại Nhạc viện TP.HCM hay một số chương trình lớn ở nhà hát TP.HCM, Hòa Bình… đang lúc cao trào thì có những nhóm 4 - 5 người lố nhố bước vào và lom khom tìm ghế, làm “đứt mạch” cảm xúc của khán giả đang theo dõi. Không chỉ vậy, người viết từng chứng kiến có những đêm diễn buộc phải lùi thời điểm mở màn vì khách VIP, các nghệ sĩ ngồi ở những hàng ghế đầu chưa đến.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, người đã chỉ huy dàn nhạc ở nhiều chương trình lớn, bức xúc: “Không chỉ khán giả bên dưới mà người biểu diễn trên sân khấu cũng cực kỳ khó chịu với những trường hợp đi trễ vì nó làm phá vỡ đi cảm xúc hay đoạn cao trào của tiết mục. Với nhạc cổ điển, hàn lâm, khi thưởng thức đòi hỏi sự tĩnh lặng, tập trung cao hơn so với các chương trình khác nên người xem càng không thể vào trễ”.
Anh cho biết ở nước ngoài, khi cánh cửa nhà hát khép lại (thường 10 - 15 phút trước khi chương trình bắt đầu, nhà hát sẽ cho khán giả vào ổn định rồi đóng kín cửa lại), ai trễ thì phải đợi đến giải lao mới được vào.
Từng có những chương trình ở VN ghi rõ “không giải quyết nếu đến trễ từ 20 - 30 phút”, tuy nhiên, vì nhiều người đi trễ và cùng đưa ra nhiều lý do để tranh cãi với nhà tổ chức nên hầu như chưa khán giả nào bị từ chối cho vào nhà hát vì đến trễ. “Tôi nghĩ đến đúng giờ đây là phép lịch sự tối thiểu khi thưởng thức nghệ thuật rất cần khán giả VN tuân thủ”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói.
tin liên quan
Học múa đương đại, dance sport miễn phí tại Trại hè âm nhạcĐây là lần đầu tiên Nhạc viện TP.HCM tổ chức trại hè cho tất cả các học viên yêu âm nhạc từ mọi nơi đến tham dự, diễn ra từ 1 - 8.8 tại Nhạc viện TP.HCM.
Bình luận (0)