Cụ thể hơn, Ý là là đội duy nhất tại EURO 2016 thường xuyên ra sân với sơ đồ chiến thuật 3-5-2. Và khỏi bàn thêm: người ta thường nói đến chi tiết này như một cách chê cười sự lạc hậu của Azzurri hơn là một nhận xét thông thường về đặc điểm trong cách chơi của họ.
Vẫn biết Antonio Conte là chiến thuật gia xuất sắc. Ông biết cách che đi điểm yếu về tài năng của lứa cầu thủ tạm gọi là "tầm thường" trong tay bằng cách chơi hợp lý, biết cách giải quyết các tình huống quan trọng bằng chiến thuật toàn đội hơn là trông cậy vào sự sáng tạo hoặc kỹ thuật cá nhân. Nhưng, vì sao cứ phải là 3-5-2 trong khi các nhà chuyên môn từ lâu đã nói rằng phải phòng thủ với 4 hậu vệ thì mới an toàn, trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại?
tin liên quan
Conte đã thành công với triết lý xây dựng ‘CLB Azzurri’Sau khi truất phế cựu vương Tây Ban Nha, HLV Antonio Conte cho biết nền tảng cho thành công của tuyển Ý đến lúc này là tâm thế đặc biệt: xem đội tuyển như một CLB sẽ chơi một giải đường dài.
Tất nhiên, đấy chỉ là "sơ đồ chết". Sơ đồ 3-5-2 của Ý tại EURO 2016 thường xuyên được hoán chuyển linh hoạt. Khi đối phương có bóng, một trong hai tiền vệ biên (ở nơi đối phương đang tấn công) lùi về phòng thủ và sơ đồ của Azzurri trở thành 4-4-2. Còn khi chính họ có bóng, cả hai tiền vệ biên đều dâng lên tấn công, và 3-5-2 trở thành 3-3-4. Suy cho cùng, diễn tiến cụ thể của trận đấu và sự linh hoạt trên sân mới là những điều quan trọng - bóng đá muôn đời vẫn vậy.
|
Nhưng vẫn rất lạ. Đá 3-5-2 có nghĩa cả 3 hậu vệ đều là trung vệ. Khi một tiền vệ biên lùi về để hình thành hàng hậu vệ 4 người thì có nghĩa là trung vệ ở phía bên kia phải tự biến mình thành hậu vệ biên - với vai trò và cách chơi khác hẳn so với những đặc điểm hoặc yêu cầu của một trung vệ.
Sở dĩ Azzurri chơi được như vậy một cách dễ dàng vì đấy đã là thế mạnh truyền thống của Calcio, qua bao đời nay. Một hậu vệ Ý mặc nhiên biết rõ phải chơi như thế nào khi họ đứng giữa hàng thủ hay đá ở biên. Tại EURO 2008, Ý bỗng gặp hoàn cảnh khó khăn về lực lượng. HLV Roberto Donadoni đành xếp cả... 4 hậu vệ biên (Gianluca Zambrotta, Christian Panucci, Giorgio Chiellini, Fabio Grosso) vào hàng phòng ngự. Không thành vấn đề. Ý thắng Pháp 2-0 để vượt qua "bảng tử thần", loại luôn đội Pháp ra khỏi cuộc chơi. Đấy chính là lần duy nhất đội Pháp bị loại khỏi vòng tứ kết (từ khi EURO có vòng đấu này).
Bóng đá đỉnh cao xưa nay cũng có không ít hậu vệ chơi được ở mọi vị trí trong hàng phòng ngự. Nhưng tất cả đều như vậy, trong cả một nền bóng đá, thì phải khẳng định: chỉ có thể là Calcio.
Cách đây khoảng 20 năm, HLV Alberto Zaccheroni dẫn dắt đội bóng nhỏ Udinese, gặp Juventus vốn là đương kim vô địch Champions League khi ấy. Ngay từ đầu trận, Udinese đã có một hậu vệ bị đuổi. Theo thông lệ, khi mất một hậu vệ trong sơ đồ 4-4-2, người ta lập tức hy sinh 1 tiền đạo để đưa hậu vệ khác vào sân (sơ đồ trở thành 4-4-1). Lạ thay, Zaccheroni không cần thay người. Ba hậu vệ còn lại phải cố chia sức để cáng đáng công việc của một hàng thủ 4 người. Cầu thủ phía trên vẫn tấn công như đã định. Và Udinese... thắng 3-0, bằng sơ đồ 3-4-2!
Đến trận kế tiếp, Zaccheroni tự hỏi: tại sao ông phải dùng 4 hậu vệ khi 3 người là quá đủ? Ông giữ nguyên đội hình vừa thắng Juventus và bổ sung thêm 1 tiền đạo để gia tăng sức tấn công. Đấy là lần đầu tiên bóng đá thế giới có thêm sơ đồ chiến thuật 3-4-3. Zaccheroni sau đó được trải thảm rước sang AC Milan. Và đấy là câu chuyện nói lên khả năng chơi 3 hậu vệ hay hơn bất kỳ nơi nào khác của Calcio.
Bình luận (0)