Nhưng phía sau công nghệ nhúng cảm biến vân tay “tàng hình” này có gì thú vị? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết trên chuyên trang HowToGeek để hiểu rõ hơn về công nghệ cảm biến này.
Có gì khác so với cảm biến vân tay vật lý truyền thống?
Cảm biến vân tay cũng giống như các hình thức nhận dạng sinh trắc học khác, nó không còn xa lạ với các thiết bị điện toán hiện đại như máy tính. Dù cảm biến vân tay đã tích hợp sẵn trên máy tính xách tay từ vài thập niên qua, nhưng nó chỉ mới xuất hiện trên điện thoại di động lần đầu tiên vào năm 2004, đó là chiếc Pantech GI100. Kể từ đó, nó đã được tin tưởng tích hợp vào các mẫu điện thoại thông minh do nhu cầu bảo mật dữ liệu ngày càng cao.
Hiện nay, dù Apple đã thay thế hoàn toàn cảm biến vân tay Touch ID trên iPhone bằng nhận diện khuôn mặt Face ID, nhưng cảm biến vân tay vẫn đang phổ biến trên hầu hết các mẫu điện thoại thông minh trên thị trường.
Cùng đà tiến hóa sang cảm biến nhận diện khuôn mặt, trong vài năm qua nhiều nhà sản xuất đã dần thay thế cảm biến vân tay vật lý bằng cảm biến vân tay trong màn hình, cho phép bạn mở khóa điện thoại bằng cách đặt ngón tay lên một vùng cụ thể trên màn hình.
Quy trình mở khóa vân tay trên màn hình
|
Nhìn chung, quy trình quét vân tay của các loại hình cảm biến là tương tự, dù đó là cảm biến vân tay vật lý hay cảm biến vân tay nhúng dưới màn hình.
Thông thường, một phần cụ thể trên màn hình sẽ được tích hợp cảm biến quét vân tay ẩn ở phía dưới, khi bạn đặt ngón tay lên vùng đó nó sẽ chụp nhanh mẫu ngón vân tay của bạn bằng một cảm biến riêng và so sánh với dữ liệu sinh trắc học đã lưu trước đó. Nếu trùng khớp nó sẽ mở màn hình ngay lập tức.
Một trong những vấn đề lớn nhất của cảm biến vân tay trong màn hình là vùng quét tương đối nhỏ. Nó thường chiếm một phần nhỏ phía dưới của màn hình. Các nhà sản xuất điện thoại thường sử dụng một hình ảnh để gợi ý vị trí cho bạn đặt ngón tay lên, nó thường xuất hiện khi bạn giơ tay lên màn hình khóa.
Tùy thuộc thế hệ, công nghệ và phần mềm mà quá trình quét vân tay có thể diễn ra nhanh hoặc chậm.
Cảm biến quang học và siêu âm
Có hai loại cảm biến vân tay trong màn hình phổ biến hiện nay là cảm biến quang học và cảm biến siêu âm. Trong đó, cảm biến vân tay quang học sẽ chiếu tia sáng lên ngón tay của bạn (thường xuất hiện trên màn hình dưới dạng hoạt ảnh), sau đó nó sẽ chụp lại dấu vân tay được chiếu sáng bằng camera dưới màn hình và so sánh với mẫu mà nó có sẵn để quyết định mở hoặc không mở khóa điện thoại.
|
Nhiều người cho rằng loại cảm biến vân tay quang học kém an toàn hơn do sử dụng một camera đơn giản để chụp lại dấu vân tay, nhưng về ưu điểm thì nó thường khá nhanh tùy thuộc vào tối ưu hóa phần mềm.
Cảm biến vân tay siêu âm thường được coi là có chất lượng bảo mật tốt hơn do sử dụng sóng siêu âm phát ra để chụp lại vân tay bạn dưới dạng 3D thay vì sử dụng ánh sáng, do đó giảm thiểu việc giả mạo hình ảnh vân tay 2D vốn có nguy cơ bị qua mặt ở các cảm biến quang học. Kỹ thuật này tương tự trong các thiết bị siêu âm y tế. Nó cũng hoạt động ổn định hơn trong các điều kiện khó khăn như vân tay của bạn bị bẩn hay ướt.
Tương lai của cảm biến vân tay trong màn hình
Vân tay trong màn hình ra đời nhằm giảm thiểu xuất hiện các “lỗ khoét” mất thẩm mỹ ở trên thân máy, đó cũng là lý do mà hiện nhiều nhà sản xuất đang tìm cách tích hợp camera trước vào màn hình hay loại bỏ jack cắm tay nghe cùng các cổng kết nối khác.
Trong tương lai, nhiều khả năng các cảm biến vân tay trong màn hình sẽ tiếp tục được hoàn thiện và sử dụng rộng rãi hơn, ngay cả với các thiết bị giá rẻ. Thậm chí, có nhiều tin đồi Apple cũng muốn tích hợp công nghệ cảm biến vân tay vào màn hình iPhone năm sau, nếu đúng thì đây không phải là một xu hướng mới mẻ mà chỉ là sự tiến hóa của Touch ID mà thôi.
Bình luận (0)