‘Cấm cửa’ doanh nghiệp chây ì

05/07/2017 06:21 GMT+7

UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu Sở QH-KT, Sở TN-MT không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất với các chủ đầu tư 79 công trình nhà chung cư cao tầng bị “điểm danh” vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Đây được xem là bước đệm quan trọng khi hôm qua 4.7, HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP.Hà Nội. Động thái cứng rắn của Hà Nội với những chủ đầu tư vi phạm PCCC trong quá trình xây dựng, nhưng chây ì khắc phục được nhiều người dân ủng hộ.
Trong 79 chung cư vi phạm, có tới 78 công trình đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Trong đó có cả những dự án đã được sử dụng trên 7 - 8 năm như tòa CT1, CT2, CT3 Xa La (thuộc khu đô thị Xa La, Q.Hà Đông).
Đặc biệt, có tới 13 dự án trong số 79 dự án thuộc về DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Doanh nghiệp này có lẽ cũng đang giữ “kỷ lục” có số vụ cháy chung cư nhiều nhất khi liên tiếp xảy ra các sự cố cháy nghiêm trọng, như vụ cháy CT4, CT5, VP5, HH4A Linh Đàm… trong các năm 2015 - 2016.
Tất cả những vụ cháy trên đều bắt nguồn từ nguyên nhân các dự án của doanh nghiệp này không được trang bị đầy đủ hệ thống trang thiết bị PCCC, thậm chí hệ thống báo cháy không hoạt động. Chỉ đến khi bị Cảnh sát PCCC bêu tên, TP đe “cấm cửa”, vài ngày trở lại đây chủ đầu tư này mới “nâng cấp, thay thế một số hạng mục thiết bị PCCC” tại một vài dự án như CT1 Xa La, điều mà đáng lẽ phải thực hiện ngay trong quá trình xây dựng.
Rõ ràng đang tồn tại một khoảng trống rất lớn về việc nghiệm thu PCCC với các dự án chung cư trước khi đưa vào sử dụng. Không chỉ doanh nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên, nhiều chủ đầu tư khác cũng “hồn nhiên” bàn giao nhà cho người dân trong khi dự án chưa được nghiệm thu PCCC. Cũng thật khó hiểu khi cơ quan chịu trách nhiệm giám sát là cảnh sát PCCC không có động thái xử lý hay cấm chủ đầu tư đưa vào sử dụng dự án khi chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố PCCC.
Cũng cần phải nhắc lại tại kỳ họp HĐND TP năm 2016, bức xúc trước hàng loạt vụ cháy lớn trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ: “Những tồn tại liên quan đến PCCC, những tòa nhà không được kiểm định, kiểm nghiệm, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND TP, nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát, phê duyệt là cảnh sát PCCC. Dư âm đâu đó cho rằng liệu cảnh sát PCCC có sân sau, có người thân, người quen nào bán thiết bị, nên khi doanh nghiệp chây ì không nói được”.
Việc Hà Nội kiên quyết với các chủ đầu tư sở hữu 79 chung cư vi phạm PCCC là rất cần thiết để lập lại trật tự. Nhưng về lâu dài, TP cũng cần chấn chỉnh lại từ khâu giám sát, nghiệm thu của chính cơ quan cảnh sát PCCC, để hàng loạt dự án chung cư đang và sẽ xây dựng không tái diễn tình trạng “sai rồi mới sửa”, hàng trăm nghìn người dân sống trong chung cư sẽ không phải nơm nớp lo sợ bị bà hỏa hỏi thăm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.